Nguyễn Tường Thiết

 

 

THẢM SƯƠNG TRÊN SÔNG SKOOGUAMISH

 

 

Salkum, 1989 - Salkum là tên của một thị trấn bỏ hoang - một ghost town - nằm trong vùng tam biên của ba tiểu bang Washington, Idaho và Oregon. Thị trấn xưa kia có một thời phồn thịnh. Thời của những di dân vượt rặng Rockies tiến về miền Viễn Tây. Một số dừng chân lập nghiệp ở đấy, sống bằng nghề đốn cây. Qua thời gian, hàng ngàn mẫu đất hoang được khai phá, hàng vạn gốc thông bị cưa ngã. Những thân cây thẳng và to được kết bè thả trôi trên dăm con sông nhỏ rồi nhập vào thượng lưu sông Snake trôi về miền đồng bằng; nơi đó các thị trấn nằm dọc con sông Columbia hùng vĩ đón cây sẻ gỗ cung cấp cho các thành phố lớn của miền Tây Bắc. Sau này khi việc khẩn hoang trở thành bừa bãi thì những đạo luật bảo vệ tài nguyên được ban hành. Ở một vài vùng việc đốn cây bị cấm ngặt. Dân chúng thất nghiệp bỏ làng ra đi. Salkum trở thành một thị trấn chết.

Luân tìm mãi không thấy địa danh Salkum trên tấm bản đồ Washington mặc dù anh biết chắc nó phải nằm đâu đó dọc sườn hữu ngạn con sông Snake trong góc đông bắc tiểu bang. Không có bản đồ địa phương trong tay, Luân đành trông cậy vào mảnh giấy nhỏ mà Mark Skilton đã đưa anh tuần trước; trên đó hắn ngoặc mấy nét sơ xịa vẽ lộ trình đến Salkum từ thành phố Seattle nơi anh ở. Trông vào trí nhớ và tài chỉ dẫn của Mark - Luân nghĩ - thì cứ cầm chắc là sẽ đi lạc đường. Thế mà sau 5 giờ phóng xe vượt hơn 200 dặm đường, băng qua vùng cỏ khô đồng cháy miền trung đông tiểu bang, sau cùng anh cũng tới được Salkum vào lúc xế chiều.

Rời còn đường liên tỉnh chỗ ngã rẽ có cắm một cái bảng gỗ cũ kỹ hình mũi tên đề Salkum 3 dặm Luân cho xe vào một con lộ nhỏ mà cỏ dại mọc lan lối đi trên kẽ đường nhựa nứt nẻ. Hai bên đường cánh đồng cỏ quạnh hưu. Năm ba nông trại rải rác. Đến một ngã tư anh nhìn quanh quất. Đây hẳn là trung tâm của thị trấn. Trên suốt hai dẫy phố giao nhau với hàng trăm căn nhà đổ nát chỉ còn trơ lại nền nhà anh không nhìn thấy bất kỳ một sinh vật gì di động. Tất cả là một sự hoang vắng, ngưng đọng. Dăm ba căn nhà còn vách gỗ đứng vững. Những nhánh bụi cây mâm xôi blackberries từ phía trong nhà thòi ra khỏi những khung cửa sổ trần trụi.

Luân dừng xe lấy mảnh giấy của Mark ra xem lại. Từ Salkum anh phải đi thêm vài dặm nữa mới tới cửa sông Skooguamish, tiếp giáp với sông Snake, nơi đó có một làng nhỏ ven sông chuyên nghề săn bắn và câu cá. Anh hẹn với Mark ở Andy's tackles shop, một tiệm bán đồ săn và câu. Luân hy vọng là Mark đến đó trước anh vì hắn ở thành phố Porland, tiểu bang Oregon, tính ra khoảng cách chỉ bằng nửa đường từ Seattle đến đây.

Hai năm trước, trong một lần đi câu cá steelhead tại Blue Creek trên bờ sông Cowlitz Luân đánh vật với một con cá thật lớn bị mắc lưỡi câu. Anh cố đem con cá vào bờ nhưng con cá vùng vẫy mạnh kéo tuôn giây câu trên lõi chiếc cần máy. Sau mười lăm phút chống trả sức con cá yếu dần. Lúc anh lôi được nó vào gần bờ thì hòn chì ở đầu sợi giây cước lại mắc kẹt vào đá ngầm ở lòng sông. Nếu Luân giật mạnh giây cước sẽ đứt và anh mất con cá. Đúng lúc ấy một gã cao lớn xuất hiện. Hắn bảo Luân đưa cần câu cho hắn ta rồi tay cầm cần câu của Luân hắn cho nổ chiếc xuồng máy lái đến giữa dòng sông. Ở vị trí ấy hắn kéo ngược giây cước và dễ dàng giải thoát hòn chì mang được con cá vào bờ. Thế là Luân quen Mark. Hai người trở thành đôi bạn. Họ có vài điểm chung: cả hai đều tuổi trung niên, mất vợ, sống độc thân và có cùng một dĩ vãng là cuộc chiến Việt Nam. Hồi đó, khoảng cuối thập niên 60, Mark  là một hạ sĩ quan thuộc sư đoàn I kỵ binh Hoa Kỳ đồn trú ở Khe Sanh trong khi Luân là một sĩ quan tùy viên cho một viên tướng vùng địa đầu và đã từng tháp tùng vị tướng này bay vào Khe Sanh.

Luân đậu xe trước Andy's Tackles Shop. Tiệm là một căn nhà gỗ nhỏ xây nhô cao hơn hẳn mặt đất. Luân nhìn quanh bãi đậu không thấy chiếc xe truck màu đỏ. Như vậy là Mark chưa tới. Anh bước lên mấy bực gỗ vén tấm mành mành nơi cửa chính vào tiệm. Tấm mành có gắn cái chuông. Khi bị động nó phát một tiếng kêu lớn «binh boong». Luân nhìn khắp một lượt không thấy ai bên trong. Tiệm chia làm hai khu. Một bên bán đồ săn bắn với những khẩu súng săn đặt trong tủ kính. Trên tường phía sau tủ có gắn đầu một con hươu lớn với cạêp sừng cong lên. Phía bên kia bán đồ câu. Những chiếc cần câu dài đặt thẳng đứng trên giá. Luân bước về phía bán đồ câu, đến gần một cái tủ kính dài và thấp có bầy lưỡi câu, giây câu, mồi giả, phao, chì… Đồ câu ở đây ít ỏi và thô sơ không thể nào sánh với các tiệm câu lớn ở Seattle. Luân đã mang theo đầy đủ đồ nghề, nhưng anh nghĩ chẳng lẽ đã vào đây mà lại không mua thứ gì? Anh đang phân vân lựa chọn thì ở phía sau tủ kính một người đàn ông từ phòng trong mở cửa bước ra. Ông ta cao gần bằng khung cửa, mặc áo ca-rô đỏ, quần jeans, khuôn mặt vuông, hàm bạnh, râu mép rậm. Luân thấy ông ta giống William Faulkner, nhà văn Mỹ anh đã một lần nhìn thấy hình in trên bìa của một tập san số kỷ niệm nhà văn này. Ông ta đi ra, đầu cúi xuống, một tay cầm cái dũa, vừa đi vừa dũa vào một vật gì bằng kim loại cầm ở tay kia. Một lát ông ngửng lên. Luân đọc trong con mắt ông ta một nét ngạc nhiên.

Mấy năm nay từ ngày đến Mỹ chưa bao giờ Luân đi xa khỏi những thành phố lớn của miền tây bắc gần bờ Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên anh lái xe sâu về phía lục địa. Càng về miền đồng quê xa các nơi thị tứ Luân càng có cảm tưởng là dân chúng nhìn anh với cặp mắt tò mò hơn, như thể họ có rất ít dịp tiếp xúc với người Á Châu.

Chủ tiệm nhìn thoáng anh rồi lại cúi xuống tiếp tục dũa thỏi sắt. Luân tìm mãi mới chọn được một cái mồi giả không có trong hộp câu của mình, anh tính ra quầy trả tiền nhưng lại chần chừ. Giá tiền cái mồi giả là 1 đồng 25 xu. Anh có cảm tưởng nếu mua ít thế ông chủ Andy sẽ không vui. Tự nhiên Luân thấy thương hại ông ta. Tại một cái làng xa xôi hẻo lánh thế này chắc quán phải thường xuyên vắng khách. Một ngày chưa chắc gì ông ta nghe được hơn một chục cái  tiếng «binh boong». Nhưng tại sao mình lại cứ muốn làm vui lòng ông ta bằng cách mua thêm những thứ không thật sự cần thiết? Vì thương hại hay vì mặc cảm? Câu hỏi ấy thoáng trong trí anh. 

Luân chợt nhớ ra là mình phải tìm một thứ gì cho bữa ăn chiều. Sáng nay trước khi rời Seattle Luân đã thủ hai ổ bánh mì Bưu Điện và đã ngốn hết cả hai ổ trên quãng đường dài. Anh nhìn chung quanh. Tiệâm này chỉ bán rặt đồ ăn khô. Luân đành chọn hai miếng cá hồi nướng khói (smoked Salmon), một bịch lớn thịt bò khô (beef jerk), một vỉ 6 lon bia Budweisser, hai gói thuốc lá Marlboro, rồi anh lại quầy tính tiền. Trả tiền xong Luân nói với chủ tiệm:

«Tôi chờ một người bạn. Chúng tôi hẹn nhau ở đây. Chính người bạn ấy đã vẽ đường cho tôi đến quán Andy này. Bạn tôi ở Porland, nói có quen biết ông. Tên bạn tôi là Mark. Mark Skilton».

Chủ tiệm nhìn Luân. Bấy giờ anh mới thấy ông ta nở một nụ cười.

«À, ông Mark. Tôi biết ông ấy chứ. Từ hơn mười năm nay cứ đến tháng mười vào mùa săn là ông ấy có mặt ở đây, không bỏ một năm nào. Ông ta đã bắn hạ được khá nhiều hươu nai ở vùng này đấy. Còn ông, ông đến đây để câu hay để săn?»

 «Tôi đi câu. Đây là lần đầu tiên tôi tới đây. Nghe nói vùng này nhiều cá steelhead».

«Nhiều thì không nhiều. Nhưng có cơ may bắt được cá lớn. Những con trophies (chỉ những con cá to kỷ lục) thường bắt được ở vùng này».

Nói xong ông ta chỉ tay lên tường phía sau quầy có dán một tờ báo cũ, màu báo đã úa vàng, hãnh diện nói tiếp:

«Đây là tờ báo có hình một con steelhead to nhất tiểu bang Washington, do chính tôi câu được vào mùa hè năm 1973 ngay tại vùng này, trên con sông Snake. Con trophy này nặng 35-pound 1-ounce. Kỷ lục này đến nay vẫn chưa bị phᅻ

Ông ta dừng lại, chăm chú nhìn thẳng vào mắt Luân như muốn tìm trong ánh mắt anh dấu hiệu một sự thán phục.

Bỗng có tiếng kêu «bing boong». Hai người nhìn ra cửa. Mark với bộ đồ săn rằn ri vén mành mành bước vào tiệm. Hắn nói to với Luân:

«Sorry tao đến trễ. Tại con bé Tracy nó cứ đòi đi theo. Rồi lại phải ghé mua cần câu cho nó, mất bao nhiêu là thì giờ».

Nói xong hắn tiến về phía quầy bắt tay ông chủ tiệm.

«Thế nào George! Mạnh khỏe không?»

Mark nói vài câu với George rồi hai người rời chỗ đi ra đứng hai bên cái tủ kính thấp đựng súng nói chuyện rất lâu về súng ống. Luân xách vỉ bia và bọc đồ ăn khô bước ra ngoài.

 Đứng trước thềm Luân móc túi lấy thuốc lá châm hút. Anh nhìn cây phong lớn bên bãi đậu xe. Dưới ánh nắng lá cây phong rực lên một màu đỏ tươi.

Bấy giờ là giữa mùa Thu. Mỗi năm cứ vào tháng mười tiểu bang anh lá phong chuyển sắc. Màu lá xanh chuyển sang xanh vàng. Rồi vàng óng. Vàng đỏ. Đỏ nâu. Đỏ bầm. Đỏ tía. Gió thổi cuốn những chiếc lá khô chạy lăn trên bãi đậu xe. Phía xa trên mặt đất lấm chấm màu lá đỏ như xác pháo. Mùa này tiểu bang Washington khá lạnh. Suốt tháng mười hầu như bàu trời lúc nào cũng u ám. Mưa giăng giăng. Không gian mịt mờø ẩm ướt. Những hôm đột nhiên trời nắng khô như mấy hôm nay thì nhiệt độ tụt thấp. Bàu trời càng xanh trong cái lạnh càng se sắt.

Có tiếng đóng cửa xe. Từ trên một chiếc truck đỏ đậu khuất bên hông tiệm một người con gái bước xuống. Luân đoán ngay đó là Tracy, mặc dù nàng trông khác hẳn người mà anh mường tượng. Lại gần thềm gỗ, Tracy hất ngược lọn tóc vàng, ngửa mặt nói với Luân bằng một giọng trong trẻo:

«Hi! Lou! (Lou là tên Mỹ của Luân). Mark vẫn nói về anh luôn. Anh đến lâu chưa?»

«Hi! Tracy!»

Luân bước xuống mấy bậc thềm bắt tay Tracy. Từ hai năm nay trong những lần hai đứa đứng cạnh nhau câu cá Mark vẫn thường kể cho anh nghe về cô nàng. Anh biết Tracy sống với Mark lúc thì như bồ bịch, lúc thì như vợ chồng. Luân nghĩ một người đàn bà chấp nhận lối sống dễ dãi ấy với một người đàn ông đã đứng tuổi lại không có một điểm gì đặc sắc như Mark phải là một người khá lớn tuổi và có nhan sắc trung bình. Chính vì tưởng thế nên anh hơi ngạc nhiên trước vẻ đẹp trẻ trung của Tracy. Nàng người thon, gọn. Chắc nàng chỉ bằng nửa tuổi Mark.

Tracy nói:

«Có Lou nên hôm nay Mark mới cho tôi đi theo đấy. Anh chàng nói tôi đi chỉ quẩn chân. Tôi chỉ thích đi câu. Tôi ghét săn bắn lắm. Tối hôm qua anh chàng nói sẽ giao khoán tôi cho Lou để anh ta rảnh tay đi săn. Anh chỉ cho tôi cách câu cá nhé, anh Lou! Mark bảo anh là một tay câu cá steelhead cừ khôi!»

Luân nghĩ trong bụng: «Anh chàng Mark này chơi khăm thật! Hắn đẩy cái của nợ này cho mình. Thế này là tiêu tùng chuyến đi câu mình đã sửa soạn từ cả mấy tháng nay». Nghĩ thế nhưng Luân trả lời Tracy:

«Tôi vui lòng chỉ cô cách câu cá steelhead. Nhưng không có gì bảo đảm sẽ câu được cá nếu không gặp may».

Vừa lúc ấy Mark ở trong tiệm đi ra, tay xách hai vỉ bia Miller. Hắn ngoắc Luân ra hiệu lái xe theo hắn. Xe chạy vòng vo trong đường rừng một lát đến một khoảng đất trống bên bờ sông Skooguamish thì ngừng. Không có ai ngoài ba người trên bãi đất trống, bãi đất có những hòn đá xếp hình vòng tròn, giữa là tro và tàn của một vài khúc cây cháy dở. Phía bờ sông ở chỗ đất lài xuống có lát xi măng hình như là bãi xuống tàu (boat ramp) nhưng có lẽ đã từ lâu không có người xử dụng. Ở chỗ ấy Luân không thấy có vết bánh xe hằn trên mặt đất.

Mark xuống xe. Anh nhìn chung quanh quan sát một hồi rồi nói:

«Chúng mình cắm trại tối nay ở đây. Đêm nay không mưa nhưng sẽ rất lạnh. Lou lo kiếm thật nhiều củi đi. Mình sẽ chất đống đốt lửa ở đây. Tracy em giúp Lou một tay. Còn tao đi mắc lều. Nên làm ngay trước khi trời tối. Tháng này trời tối mau lắm. À, nhưng cậu có mang theo lều không đấy, Lou?  Lều tao nhỏ chỉ đủ cho hai người nằm».

Luân trả lời:

«Đừng lo cho tao. Tao mua chiếc xe station wagon này cũng chỉ có mỗi mục đích đó thôi. Băng phía sau gấp lại là đủ một chỗ nằm thoải mái».

«Tối nay ăn xong mình nên ngủ sớm. Nửa đêm tao dậy đi săn. Sáng mai con Tracy sẽ đi theo mày câu ở Skooguamish. Nhưng không phải câu ỏ đây đâu…»

Mark lấy tay chỉ vào một con đường mòn dẫn vào rừng.

«Mày theo con đường này sẽ dẫn đến một chỗ câu tốt. Không xa lắm đâu. Khi nào nghe được tiếng thác nước là đến nơi, chỗ ấy có nhiều tảng đá lớn».

Một giờ sau. Trời tối. Ba người ngồi quanh đống lửa. Tracy hâm nóng một nồi thịt bò hầm đậu chilli cho ba người ăn. Luân chia đều đồ ăn khô. Ba người ăn cá ươm khói, uống bia, hút thuốc lá. Tracy tiêu thụ bia cũng mạnh không thua hai người đàn ông. Chỉ một chốc vỉ bia 6 lon của Luân đã hết. Mark vào lều lấy thêm bia Miller. Lát sau hắn lại trở vào lều. Lều thắp sáng bằng đèn măng-xông. Từ ngoài đêm nhìn vào bóng Mark di chuyển bên trong lều. Cái bóng giơ cao khẩu súng ngang tầm vai nhắm bắn. Mark thử súng sửa soạn cho cuộc đi săn đêm nay.

Gần hai mươi năm trước Mark Skilton về nước theo đợt quân Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam. Những cơn ác mộng thường xuyên ám ảnh hắn. Tinh thần khủng hoảng, nhiều lúc hắn có những thái độ và hành động quái gở đến nỗi ngay cả những người thân cũng không chịu nổi. Hai năm sau ngày hồi hương và sau cái chết vì tai nạn xe cộ của người con trai duy nhất, vợ hắn nộp đơn ly dị. Mark bỏ Eugene, nơi hắn đã có quá nhiều kỷ niệm đau buồn, lên Porland sinh sống. Sau này gặp Luân trong một chuyến đi câu, được biết Luân có chung những kỷ niệâm ở Khe Sanh, Mark có một mối thân tình rất đặc biệt với Luân, xem anh như nguời anh em ruột thịt. «This is my brother, Lou». Hắn luôn luôn giới thiệu Luân với mọi người như thế. Có lần, trong một bữa nhậu, bàn về cuộc sống cô độc của Luân, hắn bảo Luân, giọng say nhưng nghiêm chỉnh: «Một ngày nào mày cảm thấy cô đơn hãy đến với Tracy. Qua những gì tao kể về mày, xem ra nó cũng có nhiều cảm tình với mày». Luân, ngược lại, rất hà tiện trong việc chia sẻ với Mark những chuyện riêng của gia đình anh. Mark chỉ biết là vợ của Luân đã chết trong một chuyến vượt biên. Không bao giờ Luân tiết lộ chi tiết về cái chết này.

Đèn măng-xông trong lều tắt. Mark đi ngủ sớm. Hắn chỉ có ba tiếng để ngủ. Đám củi cháy soi rạng khuôn mặt hai người. Luân ngà ngà say. Anh nhìn những lon bia rỗng vứt lăn lóc trên đất, nghĩ đến Mark, nghĩ đến đêm nay hắn thức giấc nửa khuya, tay cầm súng, lưng khoác ba lô, đèn pha gắn trên trán quét những vạch sáng trong đêm tối, lầm lũi đi trong rừng tìm một gốc cây có trạc ba gần một con suối, trèo lên cây, lấy lá ngụy trang, ngồi thu lu trên trạc. Rồi hắn đợi. Đợïi trong lặng lẽ một bóng hươu cúi xuống bờ nước dưới ánh trăng… như hắn đã âm thầm đợi như thế những đêm nào hai mươi năm trước trong hầm cát trước lỗ châu mai chờ những bóng đen xuất hiện trên nền sáng ánh hỏa châu.

Tracy đun ấm nước pha cà phê. Nàng đẩy một nhánh cây vào lửa. Tàn lửa bùng lên. Đám cháy phớt hồng đôi má mịn màng, ánh lên những sợi lông măng vàng hoe. Nàng quay nhìn Luân. Một nụ cười vu vơ thoáng trong ánh mắt. Luân đến gần lửa ngồi cạnh Tracy trên một khúc thân cây. Hai người, cốc cà phê trên tay, yên lặng nghe tiếng kêu tí tách của đám củi cháy hòa với âm vang của núi rừng trong sương đêm. Lát sau Tracy kêu lạnh, nàng co vai, kéo căng vạt áo chéo nhau trước ngực, ngồi xích hẳn vào Luân, một tay quàng lên vai anh, tay kia thân mật gỡ điếu thuốc lá trên môi Luân đưa lên miệng mình hút. «Một ngày nào nếu mày cảm thấy cô đơn …» Câu nói của Mark một đêm nào trở lại trong trí Luân.

Tracy thả khói. Nàng quay người gắn lại điếu thuốc lên môi Luân, nói:

«Mark kể với tôi nhiều về Lou. Mark bảo tôi là khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, trong khi những người lính Mỹ cơn ác mộng đã trở thành dĩ vãng thì những người lính như Lou cơn ác mộng mới chỉ thực sự bắt đầu. Mark cũng nói anh rất can đảm. Anh ấy hổ thẹn vì những hành động kỳ quặc của mình khi mới từ Việt Nam trở về nước».

Luân ném mẩu thuốc lá vào lửa. Anh nói:

«Không ai can đảm hơn ai. Chẳng qua là chúng tôi phải sống trong một đất nước có nhiều có quá nhiều tai biến và chiến tranh triền miên. Mấy năm sống ở Mỹ tôi thấy xứ sở này sao mà thanh bình quá, tôi nghĩ nếu tôi sốâng ở đây từ nhỏ và phải tham chiến ở Việt Nam thì chắc là tôi cũng sẽ có tâm trạng và thái độ y hệt như Mark khi hồi hương…  Nhưng thôi, Tracy… Nói làm gì những chuyện không vui đó... Cô vào lều lấy cần câu Mark mua sáng nay. Tôi phải sửa soạn cần câu cho cô tối nay vì  ngày mai ra sông mình không có thì giờ đâu».

Vừa sửa soạn cần câu, Luân vừa giải thích cho Tracy về những đặc tính của giống cá steelhead, sự khác biệt giữa loại cá steelhead và cá salmon, các kỹ thuật câu cá steelhead, cách sử dụng cần câu, cách dùng mồi giả, cách thu hồi cá khi cá mắc lưỡi câu… Luân say sưa nói. Câu cá, nhất là câu cá steelhead, là nỗi đam mê duy nhất của anh từ mấy năm nay ở Mỹ. Tuy anh mải mê nói và tuy nàng rất lắng nghe nhưng anh vẫn có cảm tưởng là tâm trí Tracy để ở chỗ khác. Dưới ánh lửa đôi mắt người con gái đang say có nhuốm một vẻ xa xôi đằm thắm. Mark đã kể những gì cho Tracy nghe về dĩ vãng của mình? Hẳn là Tracy đang nghĩ về những lời kể ấy. Chúng phản ánh trong đôi mắt nàng cái nhìn trìu mến lẫn thương cảm. Luân nhìn vào đôi môi dầy mọng của nàng và nghĩ giá mình cúi xuống trên đôi môi ấy…

Đêm khuya. Tracy đứng dậy đi về phía lều. Nàng chui vào lều ngủ. Luân lại xe lấy cái túi ngủ đặt dưới đất gần đám củi cháy. Anh đã uống khá nhiều bia và thấy trong người khó chịu nôn nao. Luân thiếp đi trong cơn say với một cảm giác chao đảo bềnh bồng. Anh du mình vào một giấc ngủ ngắn mộng mị. Anh mơ thấy có tiếng ai mơ hồ gọi tên anh. Anh mơ thấy mình choàng dậy hốt hoảng. Tỉnh dậy, anh lạnh toát người khám phá một sự thực kinh khủng: thì ra cái mẩu đời mấy năm nay của anh ở Mỹ chỉ là giấc mơ! Thực tế anh vẫn còn đang ở Việt Nam, ở Rạch Giá, đang vùng vẫy trong cơn vượt thoát! Có tiếng gọi tên anh lớn hơn. Luân nhỏm dậy nhìn quanh. Dưới ngọn đèn dầu tù mù trong căn nhà lá căn buồng trống trơn. Trong lúc anh ngủ thiếp trên chiếc phản gỗ thì Hòa, vợ anh, và mấy người đàn bà khác chắc đã được đưa trước ra bến. Anh lầm lũi đi theo người dẫn đường. Gã tuy không cao bằng Luân nhưng to ngang và lực lưỡng. Tay cầm đèn pin, tay kia cầm gậy, gã rảo bước thoăn thoắt. Trong đêm tối, dưới ánh trăng, hai người yên lặng đi nhanh. Có tiếng chó sủa ở rất xa. Trong xóm. Đến một khúc quành, chỗ có lạch nước chạy dọc theo đường mòn, gã dừng lại ra hiệu cho Luân đi trước. Đi được mươi bước Luân nghe ở phía trước sau lùm cây có tiếng động sột soạt và một bóng người hiện ra. Cùng lúc anh nghe sau lưng tiếng gió. Luân đã có một thời từng là võ sư Thái Cực Đạo. Phản xạ, anh lạng người né qua một bên. Từ phía sau cây gậy của gã đàn ông đập trúng bả vai anh mạnh như trời giáng. Luân có cảm giác như xương vai vỡ vụn ra từng mảnh. Luân bổ nhào xuống lạch nước, lặïn ra xa. Lúc anh trồi lên để thở anh thấy trên bờ lóe sáng hai ánh đèn pin. Có tiếng nói: «Nó đấy! Nó đấy!». Rồi tiếng chân lội xuống lạch. Luân lặn sâu xuống đáy. Tay anh quờ quạng trong xình, nắm những gốc cây bần trơn trượt, trườn người thật xa. Hồi lâu anh trồi lên giữa một đám lau sậây. Dưới ánh trăng anh thấy một người đàn ông tay cầm một cái giáo dài đang hươi giáo đâm vào đám lau. Luân thụp ngay xuống, nằm yên dưới bùn. Có tiếng bước chân lại gần. Rồi tiếng ngọn giáo đâm phập phập xung quanh anh. Bỗng anh thấy đau quặn. Một mũi giáo đâm vào đùi anh. Luân ngạt thở, trồi lên. Anh kinh hoảng thấy mình đối diện ngay trước mặt gã cầm giáo, chỉ cách một thước! May lúc đó hắn đang ngoái cổ nhìn phía sau, nơi có ánh đèn pha sáng quắc và tiếng động cơ xuồng máy. Có tiếng gọi to: «Tư! Ghe tuần! Biến ngay!». Luân lặn xuống cố sức trườn xa khỏi tầm gã cầm giáo. Tay anh quờ trong xình. Anh vấp phải một vật gì mềm mềm ở dưới đáy. Bỗng anh kinh hoảng. Bàn tay anh vừa nắm phải một bàn tay người, một bàn tay mềm nhũn! Từ dưới đáy anh nghe tiếng xuồng máy nổ thật gần, ánh đèn pha sáng lên, rồi nhỏ đi, mờ dần… Anh lịm đi…

Hồi lâu anh tỉnh dậy thấy mình trôi đi trong tiếng nước chẩy âm thầm của một giòng sông đen, trong tiếng thâm u của núi rừng, trong khí ẩm lạnh của đêm sương, trong nỗi vui sướng choáng ngợp khi anh chợt nhận thức cái ánh sáng đèn pha của chiếc ghe tuần kia chẳng qua là ánh sáng ngọn đèn măng xông thắp trong căn lều nhỏ, căn lều xinh sắn nằm đơn độc giữa núi rừng, căn lều hiện hữu, có thật, không phải trong mơ.

Bấy giờ đám củi cháy đã tàn lụi. Luân co quắp người lại vì lạnh. Anh định xách cái túi ngủ vào nằm trong xe thì bỗng nhiên, theo một thôi thúc muốn san sẻ nỗi vui anh hiện có, nỗi hoan lạc gần như thể anh vừa mới chết đi sống lại được, Luân đứng dậy, tiến về phía ánh đèn, về căn lều lúc đó như hiện thân của một thứ hạnh phúc ngời sáng.

Ánh đèn lóa mắt anh khi anh vừa vén lều bước vào. Quen mắt anh thấy Tracy lồm cồm nhỏm dậy trong túi ngủ. Mark không có đó. Hắn đã trở dậy từ hồi nào trong đêm, thắp sáng đèn rồi sách súng đi săn. Tracy kéo «zip» mở rộng cái túi ngủ hai người nằm. Luân cúi xuống cởi đôi giầy rồi anh chui vào túi ngủ tự nhiên như không, như Tracy lúc đó đã là vợ anh. Anh có cảm tưởng Tracy nhìn thấu hết nỗi vui sướng của mình và hành động mở rộng cái túi ngủ như thể mời đón niềm hạnh phúc đó nơi anh. Túi ngủ ấm còn giữ nguyên hơi nóng của Mark. Hai người nằm sát nhau. Qua lớp quần áo dầy cộm của cả hai người, Luân không có cảm giác va tiếp với thân thể một người đàn bà, sự va tiếp mà đã từ lâu lắm anh hầu như quên hẳn cảm xúc. Luân nằm ngửa nhìn lên nóc lều, nghĩ đến giấc mơ anh vừa trải qua. Giấc mơ xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong quá khứ. Lần nào cũng vậy chúng luôn mang những xúc động mới tinh như lần xuất hiện đầu tiên. Lần nào cũng vậy anh mơ thấy mình nắm phải cùng một bàn tay mềm nhũn. Bàn tay mềm như tay một người đàn bà. Biết đâu đó là bàn tay Hòa? Anh nghĩ đến lần cuối cùng anh ăn nằm với vợ ở Rạch Giá trong chuyến vượt biên thất bại, tới nhóm người bị bọn cướp tước đoạt cả tài sản lẫn sinh mạng chỉ mình anh sống sót và anh ứa nước mắt.

Luân nghiêng người xoay đầu về phía Tracy. Khuôn mặt nàng gần sát. Anh nhìn sâu trong đôi mắt xanh đang mở rộng. Vẫn hai con mắt đằm thắm. Luân dướn người nhỏm dậy. Anh khép đôi mắt ấy bằng làn môi của mình. Nhẹ nhàng anh cúi xuống trán Tracy, đưa môi rà xuống trên gương mặt nàng, trên bờ mi, trên sống mũi, trên làn môi, trên đôi má, cảm nhận những sợi lông măng lăn tăn trên đầu môi. Từ cánh mũi, cặp môi hé mở hơi thở nàng dồn dập và nồng nàn phà trên má anh. Luân lùa tay nắm mái tóc, lật ngửa nàng ra sau, rồi anh chồm lên bật tung nút cánh áo trên, cúi xuống …

Sáng hôm sau, trời còn tối, Luân thức dậy, nhìn đồng hồ tay rồi đánh thức Tracy. Nàng thò đầu khỏi túi ngủ nhìn ra ngoài, nói:

«Trời còn tối mà, Lou».

«Đợi trời sáng thì còn cá đâu mà câu. Loại cá steelhead này dậy sớm lắm, thường đi kiếm ăn trước khi mặt trời mọc, chúng nó không lười như Tracy đâu».

Nói xong Luân ngồi nhỏm dậy, mở rộng cái túi ngủ. Lạnh, Tracy co người. Nàng giơ tay kéo Luân xuống định ngủ tiếp. Luân cúi xuống hôn nhẹ lên trán Tracy. Anh kéo nàng dậy:

«Dậy đi nào!»

Nửa giờ sau, hai người hai đèn pin, lưng đeo ba lô, tay cầm cần câu, đi theo con đường Mark đã chỉ. Aùnh đèn pin vẽ trong đêm tối hai vệt sáng chạy loáng trên con đường mòn ẩm ướt phủ đầy lá ải mục. Luân vẹt nhánh cây thấp chắn ngang lối đi, những chiếc lá ướt quệt nước mưa vào mặt hai người. Anh nghe ở xa từ phía trước có tiếng thác nước. Trời sáng dần khi hai người đến bờ sông. Luân cảm giác trên da mặt mình lấm chấm li ti những bụi nước nhỏ. Bụi nước của sương sớm, của dòng sông, của thác nước hay của cơn mưa nhẹ? Anh không thể biết.

Hai người dừng lại trên một phiến đá rộng bằng phẳng. Trước mặt là dòng Skooguamish còn phủ dầy một làn sương loãng. Luân không nhìn thấy thác nước ở đâu mặc dầu anh nghe rõ tiếng thác đổ. Có thể thác nằm khuất sau khúc sông quành, chỗ hai người không thể đi tới vì ở đó bờ sông có vách núi đá dựng đứng ngập nước. Vách đá sừng sững ẩm ướt. Từ những kẽ vách khói lam bay tỏa.

Luân và Tracy đặt ba lô và cần câu trên phiến đá. Hai người rót cà phê từ trong phích và châm thuốc hút. Trời mờ mờ sáng. Bên kia sông là rừng cedar, một loại cây tùng cao và xanh. Một đàn chim từ trong đó bay ra vượt ngang sông mất hút sau vách đá.

Bấy giờ trên sông thảm sương tan dần trả lại màu xanh lục êm đềm. Luân đứng sau lưng Tracy, một tay ôm ngang bụng nàng, tay kia cầm cốc cà phê chỉ cho nàng thấy một con chim lớn đậu trên ngọn cây ở tít xa bên bờ kia. Tracy hỏi:

 «Chim gì thế?»

Luân trả lời:

 «Chim đại bàng Bald Eagle! Chim eagle biểu tượng cho nước Mỹ cũng như cá steelhead biểu tượng cho tiểu bang Washington».

Tracy lục trong ba lô lấy ra ốâng nhòm. Nàng đưa ống nhòm lên mắt hướng về ngọn cây, điều chỉnh hồi lâu, nói:

 «Tracy thấy nó rồi. Đầu nó có lông trắng rất dễ nhận. Đây là lần đầu tiên Tracy nhìn thấy eagle tận mắt».

 «Chim eagle đang có nguy cơ tuyệt chủng nên chúng được liệt vào danh sách những loài thú cần bảo vệ. Rất hiếm cơ hội nhìn thấy nó. Loại chim này thích sống vùng thượng nguồn những con sông miền Tây Bắc nơi chúng có thể tìm mồi là xác rữa những con cá salmon tìm về nguồn đẻ trứng rồi chết. Chúng là bạn thân thiết nhất của những tay câu cá nhà nghề thích mạo hiểm câu ở những vùng rừng núi xa xôi. Nhưng thôi, chúng mình bắt đầu câu đi là vừa».

Từ trên đỉnh một ngọn cây tùng con đại bàng quét đôi mắt nhìn xuống dòng sông. Không một thứ gì có thể lọt qua con mắt cú vọ của nó. Phía dưới tít xa bên kia bờ sông nó thấy hai người đang đứng ôm nhau trên một tảng đá. Một người chỉ tay về phía nó. Người kia cũng chĩa một vật gì đen ngòm về phía nó. Con eagle nhẩy lên dang rộng đôi cánh bay là là chơi vơi xuống dòng sông phía dưới, dòng Skooguamish chỗ uốn khúc có cái thác hùng vĩ đổ tung bụi nước trắng xóa mờ mịt cả một khúc sông.

Luân vừa nói vừa chỉ tay về phía sông:

«Nhìn chỗ kia kìa, Tracy! Chỗ kia là luồng di chuyển của cá steehead. Nhìn kỹ mặt sông. Ở sát gần bờ có một giải nước lặng. Chỗ tiếp giáp giữa vùng nước lặng và nước chẩy thường là đường đi của cá. Cô ném mồi chỗ đó»ù.

Luân đưa cần câu cho Tracy. Từ phía sau lưng ôm người nàng, anh nắm tay Tracy, hướng dẫn tay nàng vung cần ném hòn chì về phía thượng nguồn, chờ cho chì đụng đáy, giơ ngược cần lên cho căng sợi cước, nhìn dây câu trôi đi theo một hình cánh cung rồi quay máy thu hồi hết giây về lõi. Hòn chì sau đó lại được ném ra, tiếp tục một chu kỳ khác. Khi tay Tracy đã thuần thục, Luân để Tracy tự xoay sở lấy, anh xách cần và ba lô nhẩy qua một tảng đá khác cách khá xa, về phía vách đá. Nơi đây, dù vẫn không nhìn thấy thác nước, anh nghe rõ tiếng thác đổ và cảm nhận nhiều hơn những bụi nước li ti trên làn da mặt mình.

Đứng trên tảng đá cao Luân vung cần ném mạnh hòn chì sang tận gần bờ phía bên kia Skooguamish. Bờ bên kia là bãi sỏi lài xuống từ mép rừng cedar đến bờ sông. Hai bên bờ vắng ngắt. Mênh mông trời đất chỉ có hai người. Thốt nhiên anh cảm thấy rờn rợn vì sự cô độc và bé nhỏ của con người trước cảnh trí bao la hùng vĩ. Cũng may mà anh còn có Tracy. Nếu không anh sẽ một mình ở đây và cảm thấy trơ trọi biết là nhường nào. Mấy năm nay Luân câu trên sông Cowlitz, một con sông nổi tiếng của tiểu bang có nhiều cá steelhead. Hai bên bờ sông lúc nào cũng đầy người câu; nhất là tại Blue Creek nơi có xưởng ươm cá, nhiều lúc anh không thể nào tìm được một chỗ để chen chân. Có bữa anh than phiền với Mark  về cảnh câu chen chúc ở Cowlitz, hắn nói: «Nếu mày muốn một mình một dòng sông thì đi theo tao đến vùng tam biên, cách chỗ mày ở chừng 5 giờ lái xe. Tháng mười nào tao cũng đến đó săn nai. Tao chưa câu ở đó nhưng tao biết có chỗ câu steelhead rất tốt. Không nhiều cá như ở đây nhưng nếu đã bắt được cá thì thường là cá rất lớn. Mày nên đi thử thời vận một lần cho biết».

Luân nhớ lại một kỷ niệm câu với Mark ở Blue Creek. Bữa đó anh câu được con cá steelhead nặng chừng 10 pounds. Anh luồn một sợi giây ny-lông vào mang con cá thả nó lội dưới sông, buộc đầu kia của sợi dây vào một hòn đá lớn để giữ cá. Chặp sau anh không nhìn thấy con cá đâu. Hóa ra vì buộc không kỹ con cá xổng mất mang theo sợi dây dài lằng nhằng trên miệng nó. Nửa giờ sau bên bờ đối diện có tiếng hô to: Fish on!  Một tay câu bên kia bờ kéo lên một con cá còn dính nguyên sợi giây lòng thòng! Mark, lúc đó câu cạnh Luân, chụm tay lên miệng hô to sang bờ bên kia: «Trả con cá cho chúng tao!  Con cá này thằng Lou bắt được, phải trả lại cho nó»ù. Bên kia có tiếng đáp lại: «Không biết! Tao bắt được con cá. Nó là của tao». Thế là hai bên ồn cả lên, tranh luận qua lại ầm ỹ. Bên nào cũng cho mình là phải. Lát sau có nhân viên kiểm ngư đi xuồng máy ghé vào bờ. Mark giải thích với ông ta về trường hợp mất cá của Lou và nhờ ông ta lái xuồng sang bên kia bờ sông điều đình lấy con cá về. Nhân viên kia nhận lời giúp. Sang bên kia ông ta nói chuyện một hồi lâu. Sau cùng ông ta trở về nói với Mark: «Bên kia không chịu trả con cá! Họ nói cá họ câu được là của họ. Nhưng họ đồng ý trả lại cái này». Nói xong người ấy đưa cho Mark khúc giây ny-lông buộc cá của Lou! Luân kể câu chuyện đó cho mọi người nghe. Ai cũng cho đó là chuyện xạo, chuyện «fishing story». Đời nào có con cá ngu thế, dính lòng thòng sợi dây ở miệng mà không tởn, lại cắn câu hai lần ở cùng một chỗ! Nhất là cá đó lại là cá steelhead thuộc lại tinh khôn và nổi tiếng khó câu!

Sau gần hai tiếng đồng hồ câu không một động tĩnh gì, Luân nản chí. Anh nghĩ chuyến đi câu xa xôi mà mình đã chuẩn bị từ mấy tháng nay thật không đáng công chút nào. Anh nghĩ đến câu nói của Mark: « Mày cứ đi theo tao, biết đâu mày chả bắt được con trophy».

 Bỗng anh mỉm cười: «Hắn nói thế mà đúng. Mình đã bắt được con trophy còn to hơn con cá George chủ tiệm Andy bắt được». Nghĩ thế và một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng chợt òa đến, như thể đêm qua khi anh khám phá ra ánh đèn của chiếc ghe tuần trong giấc mơ chỉ là ánh đèn măng-xông trong căn lều nhỏ giữa đêm rừng, căn lều của Tracy, ở đó anh đã bắt được «con cá» lớn nhất trong đời anh. Đêm qua là đêm của một thứ hoan lạc chiếm đoạt và dục vọng. Bây giờ nó «hình như là tình yêu». Anh xếp cần xách ba-lô nhẩy qua những tảng đá thấp tìm về chỗ câu của Tracy.

Luân đứng sát sau lưng Tracy. Anh đưa tay vén lọn tóc vàng rẽ sang bên rồi cúi xuống hôn lên gáy, lên vành tai nàng. Tracy so vai lại vì nhột. Luân thì thầm:

«Có cá cắn không?»

«Có! Tracy mất hai con. Chắc là lưỡi câu chưa mắc hẳn vào miệng cá»ù.

«Thật hả? Có chắc cá không? Nhiều khi cành cây trôi vướng vào giây cũng có cảm tưởng y như cá cắn».

«Không mà! Rõ ràng là nó kéo giây mà!»

Luân nghi ngờ. «Không dễ đâu em!». Anh nhớ nguyên năm đầu tiên đi câu cá steelhead anh không bắt được con nào mặc dù lúc đó anh đã có nhiều kinh nghiệm câu cá salmon. Luân ôm ghì lấy Tracy.

«Thôi nghỉ chút đi. Có sandwich lấy ra ăn. Lou đói bụng rồi».

Bỗng bên kia có tiếng súng nổ. Rồi một tiếng nổ khác, gần hơn. Tiếng súng vang vọng từ phía rừng cedar, dội qua sông, đập vào vách đá. Luân vội buông tay khỏi người Tracy. Thoáng một cái trong trí Luân hiện lên hình ảnh Mark, trong bộ đồ săn rằn ri, từ khu rừng cây bên kia sông, đang nhắm bắn hai người! Anh choáng người nhưng trấn tĩnh ngay. Đây là tiếng súng của bọn thợ săn. Vùng tam biên này nổi tiếng là nhiều hươu nai. Mỗi năm cứ vào tháng mười, mùa săn, nơi đây là điểm tập họp những tay súng của cả ba tiểu bang Washington, Idaho và Oregon.

«Fish ON!»

Tracy la một tiếng lớn. Nàng nhấc bổng cần lên cao. Chiếc cần cong vòng. Phía sông sợi cước căng chạy ngoằn ngoèo trên mặt nước. Dưới đáy sông con cá chạy phăng phăng, tuôn giây cước ra khỏi lõi máy. Thoáng trong óc Luân ý nghĩ: «Tracy bắt được cá thật! Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ». Tim anh đập rộn lên như thể chính anh đang câu được con cá. Luân biết ngay là nếu cứ để con cá kéo giây chạy về phía thác nước thì chẳng mấy lúc hết giây. Hết giây là giây đứt. Luân chụp lấy máy câu, xiết chặt bộ phận «hãm» giây tuôn. Con cá bị cưỡng, nó phóng vọt lên khỏi mặt nước.Vụt một cái hai người trông thấy ở giữa sông một con cá lớn vẫy trên không trung, thân lấp loáng ánh bạc, đầu lắc lư. Rơi tõm xuống, con cá đổi chiều bơi ngược về phía hai người. Luân biết được điều đó vì anh thấy giây cước bỗng chùng hẳn xuống. Anh la to:

«Quay thật nhanh! Thu hết giây cây câu về!  Đừng để giây chùng. Luôn luôn phải để giây căng cho lưỡi câu khỏi tuột!»

Con cá đâm vào gần bờ thì nó lại đổi chiều chạy ra xa, lại kéo tuôn giây trên lõi. Tracy cố kéo ngược lại nhưng con cá khỏe quá cứ kéo bừa đi. Chưa chi nàng đã có vẻ mệt. Quýnh quáng, nàng hạ cần xuống, nói mếu máo:

«Tracy phải làm gì đây? Tracy không muốn mất cá!»

Luân hét lên:

«Giơ cao cần câu lên! Đừng bao giờ hạ cần xuống. Sức nặng của cá phải chịu trên cần câu chứ không phải trên giây câu. Cô mà hạ cần xuống là giây đứt ngay! Cứ để cho cần câu cong vòng. Càng cong càng tốt. Ừ! Giữ cần như thế này được đấy! Thấy không! Con cá lại quay đầu về…»

Sợi cước đang chạy trên mặt nước đến gần bờ bỗng đứng dừng. Như thể con cá đang lội bỗng ngưng, nằm yên một chỗ. Tracy giật cần câu mấy lần nhưng vô hiệu. Nàng đưa cần cho Luân. Anh giật một cái, buột miệng chửi thề:

«Damn it!»

Hòn chì bị mắc kẹt vào đá ở đáy sông. Nếu giựt thật mạnh thì một là hòn chì chui sâu hơn vào lỗ kẹt, hai là giây đứt. Cả hai đều tệ hại. Luân tiếc hùi hụi. Con cá lớn thế mà bị mất. Anh nhớ đến mấy năm trước anh cũng rơi vào đúng trường hợp này ở Blue Creek, lần đó chính Mark đã cầm cần câu của anh rồi cho nổ chiếc xuồâng máy chạy ra giữa dòng, giải thoát hòn chì và lấy được cá. Thất vọng anh nói với Tracy:

«Kể như mất cá rồi. Chì bị mắc kẹt vào đá. Giựt mạnh là đứt giây».

Tracy nói như khóc:

«Con cá to quá! Thà là mình không trông thấy nó thì đỡ tức. Tracy không muốn mất cᅻ

Một ý nghĩ thoáng trong trí Luân. Anh quay nhìn tảng đá lớn lúc nẫy anh đứng câu và thấy vị trí của nó nhô ra phía sông hơn hẳn vị trí chỗ hai người đang đứng. Cầm cần câu của Tracy, Luân nói nhỏ:

«Lou có cách…»

Luân vừa đi vừa giơ cao cần câu giữ cho giây cước thật căng. Lát sau anh leo lên tảng đá hồi sáng, lựa một vị trí xa bờ nhất rồi giật cần câu thật mạnh. Thoạt tiên anh thấy đầu giây như va phải một khối đá nặng chịch, tiếp sau là cảm giác khối đá chuyển động, rồi con cá tung mình phóng lên không trung. Luân giơ ngón tay cái lên cao, báo tin vui cho Tracy. Ở tảng đá phía dưới Tracy nhẩy cẫng lên mừng rỡ hô lớn: «Hurrah!».

Cuộc chiến lại bắt đầu!

      Cầm cần câu trực tiếp đấu với cá, anh biết mình đang đối phó với một con cá to, to  nhất từ trước đến nay anh chưa từng câu được. Liếc nhìn sợi cước có đường kính nhỏ anh đoán là giây chỉ có sức chịu tối đa 15 pound. Yếu quá. Anh nghĩ. Còn con cá anh nhìn thấy nó rõ hơn khi nhô khỏi mặt nước lần thứ hai. Bằng vào chiều to ngang của nó anh phỏng đoán nó nặng tối thiểu 20 pound. Như vậy muốn lôi được cá vào bờ anh phải dùng mẹo chứ không thể dùng sức, dùng sức thì giây 15 pound sẽ đứt. Cách duy nhất là anh phải «vần» con cá cho đến lúc nó kiệt sức, hoàn toàn kiệt sức, trước khi lôi nó vào bờ, vì cả anh và Tracy đều quên không ai mang vợt vớt cá theo.

Điều Luân không ngờ là sau nửa giờ đánh vật với cá chính anh lại là người kiệt sức trước. Con cá, được tăng cường bởi sức nước chẩy xiết ở khúc sông quành, cứ phăng phăng kéo giây chạy về phía thác nước, mặc dù anh đã vặn chặt tối đa bộ phận «hãm» giây tuôn. Để giây khỏi đứt Luân không còn lựa chọn nào khác là phải đi lần theo cá tiến dần về phía vách đá, một công việc rất cực nhọc và nguy hiểm. Luân chỉ có thể di chuyển tối đa chừng hai ba chục thước. Anh không thể nào tiến xa hơn vì đến chỗ vách đá là ngập nước. Di chuyển trên mấy chục thước ấy Luân phải vừa giơ tay nâng cao cần chiến đấu với cá, phải vừa thận trọng bước qua những tảng đá cao ướt át trơn trượt mà nếu xẩy chân ngã xuống khe giữa hai tảng đá có nước chẩy xiết ở dưới anh có thể bị trôi phăng về phía thác nước. Nhiều lúc thấy quá nguy hiểm anh đã tính cắt đứt giây câu. Anh đã làm việc ấy nếu là cá của anh. Nhưng con cá này Tracy câu được. Anh không thể để nàng thất vọng. Sau nửa giờ Luân mệt nhoài, mồ hôi vã như tắm, mặc dù trời rét và những bụi nước lạnh bám phủ vào da anh. Đến một mẩu đất lài nằm khuất sau hốc đá là cùng đường, Luân bắt buộc phải để cá tuôn ra cho hết giây.

Phựt một cái! Giây đang căng bỗng chùng hẳn xuống. Thế là hết!

Bỗng anh quay cần thu hồi thật nhanh giây câu. Quay tới tấp. Anh vừa sực nhớ ra là nếu cá quay đầu đâm về phía mình thì cũng tạo cảm giác y hệt như giây đứt. Quả nhiên sau mười vòng quay thì có cái gì khựng lại. Rồi con cá phóng vụt lên khỏi mặt nước. Lần này ngay trước mặt anh, chỉ cách vài thước!

Con steelhead lớn anh chưa từng thấy! Nó lắc lư chiếc đầu như cố gắng khạc lưỡi câu ra khỏi miệng. Luân trông rõ con mắt nó. Con mắt tuyệt vọng! Thoáng trong trí Luân hiện đôi mắt trợn ngược của Hòa!

Rơi tõm xuống nước con cá lại căng giây lội ra xa. Luân nâng cao cần cố gắng kéo cá ngược vào bờ. Lúc ấy anh đã hầu như kiệt sức. Anh hạ cần thật nhanh, quay vài vòng thu giây, rồi lại kéo cần lên. Cá lội trở ra, anh lại kéo vào. Cứ thế. Chừng mươi lần giằng co anh cảm thấy sức kháng của con cá yếu dần, yếu dần…

Bỗng mặt đất rung chuyển. Luân kinh hoảng nhìn lên. Đấùt lở! Từ trên cao bức vách đá đất truồi đổ những khối đá lớn xuống dòng sông, chỗ vách đá ngập nước. Tiếng ầm ầm vang động như sấm của những tảng đá đụng nước. Một khối đá rơi xuống sông ngay phía trước Luân, bắn tóe nước vào người anh. Đất cát đổ xuống rào rào chung quanh.

Hồi lâu sau không gian lại im vắng, trả lại tiếng thác đổ.

Từ ở đằng xa có tiếng gọi «Lou! Lou! Where are you?». Tiếng gọi thảng thốt của Tracy từ phía sau những tảng đá lớn.

Kinh hãi. Kiệt cùng. Luân kéo con cá. Nó cũng kiệt sức như anh. Nó xuội lơ lê trên bùn theo đà kéo. Thân nó nhợt nhạt như một xác chết.

Xác chết được dân trong xóm kéo lên bờ. Xác một người đàn bà. Thân hình suội lơ lê trên xình. Khuôn mặt tái nhợt. Mái tóc bê bết. Đôi mắt trợn ngược.

«Lou! Where are…»  Tiếng gọi bay hút đi trong tiếng thác nước đổ ào ào.

 

  

Nguyễn Tường Thiết

 

 

 

 

© Copyright Nguyễn Tường Thiết 2007