Về lại Cẩm Giàng
Để tưởng nhớ những người thân đã lìa đời
nhưng bóng họ vẫn còn phủ lên phần đất này của quê hương.
Trong ký ức xa thẳm nhất của tôi có in căn nhà Yên Phụ ven Hồ Tây. Một căn
nhà tranh. Nơi chú Sáu tôi đã sống đã viết và đã chết ở đó. Khi tôi bắt đầu
đến ở thì chú tôi đã qua đời trước đó mấy năm và căn nhà được xây lại bằng
gạch. Tôi còn nhỏ quá, nhỏ tới độ bây giờ cố nhớ lại tôi chỉ thấy mơ hồ
như hình ảnh một căn nhà trong giấc mộng. Tuy thế, lạ lùng thay một vài
chi tiết thuộc căn nhà lại làm tôi nhớ và nhớ rõ nét như thể chúng đã được
khắc sâu một cách đặc biệt vào tuổi thơ tôi. Chẳng hạn như hình ảnh cái bụi
tre ở sát cổng vào lúc nào cũng ngả nghiêng theo gió. Chẳng hạn như những
nhánh liễu bay phủ loà xoà xuống bờ nước. Chính vì thế mà khi đọc áng văn
sau đây của chú tôi, áng văn có tựa đề "Câu chuyện bên gốc liễu": Cành
lá tre này cũng như những cành lá tre khác, không có gì đặc biệt. Nhưng
tôi không bao giờ nhìn ngắm một cành tre mà không thấy nổi lên trong lòng
những ý nghĩ và cảm giác lúc nào cũng giống nhau. Khi thấy các lá tre thổi
vút một chiều, tôi cảm thấy một vang động âm thầm và kín đáo trong tâm hồn...
(Theo dòng - Thạch Lam), tôi không những có thể hình dung lúc đó
chú tôi đã ngồi ở đâu trong căn nhà ấy mà tôi còn mường tượng chú tôi đã cảm
nhận được những gì vây bủa quanh ông.
Một sáng nào của năm 1942 từ trên giường bệnh chú Sáu tôi mệt nhọc lết đi
mở cánh cửa trúc trông ra Hồ Tây và khám phá một nhánh liễu đã bị ai chặt
mất, nhánh liễu trước kia vẫn phủ qua cánh cửa sổ ướp những tia nắng một
vùng sáng xanh êm dịu, nhánh liễu thân quí của ông từ bao tháng nay để ông
tiếp cận với thế giới bên ngoài. "Sáng hôm sau sang thăm, thấy hai mắt
chú sáng trong. Tôi ngồi xuống cái ghế cạnh giường, nắm tay chú, bàn tay
ấm và mềm. Chú bảo chị đẩy em lên cao một tí để em nhìn thấy cây liễu, chú
phàn nàn anh người nhà đem chặt đi mất một cành liễu rủ xuống làm mất đẹp"
(Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường - Nguyễn Thị Thế).
Chú tôi đã thấy gì từ cái cửa trông ra Hồ Tây ấy? Chú hẳn phải thấy những
cánh bèo trôi dật dờ theo sóng nước, những cánh bèo mà khi tôi ngồi viết
những dòng này còn như đang rập rình trôi đi trong ký ức xa vợi của tôi,
những cánh bèo bật lên hình ảnh con chuồn chuồn đỏ chót thân cong như quả
ớt là xuống nhón đậu trên một cánh hoa bèo tím. Tôi chắc là chú phải nghe
tiếng sóng vỗ ồm oạp của Hồ Tây đập vào hàng rào cọc tre ven hồ và "nghe"
cả hoa nắng chạy loáng trên bờ tường cổng vào ở mé trái nơi bụi tre ngả
nghiêng theo gió, cái tiếng gió hiu hắt buồn bã lay động những nhánh liễu
bay phủ loà xoà. Tôi nghĩ là chú phải ngửi thấy dù rất nhẹ mùi hương của đầm
sen thoảng qua trong gió, mùi hương sen như ướp vào tuổi thơ tôi mỗi lần
thằng bé tập tễnh bước đi trên con đường làng Yên Phụ ở một khúc quanh,
cái đầm sen nhỏ ở bên kia đường đối diện Tây hồ. Mặc dù không thấy ông trực
tiếp tả ra trong bất cứ tác phẩm nào của ông nhưng tôi tin chắc rằng khi
còn sống chú tôi đã từng nhìn, từng nghe, từng ngửi thấy những gì loang
trong cái không gian bé nhỏ mà cảm nhận còn lưu giữ trong ký ức tôi ngày
nay. Tôi tin chắc thế bởi vì với giác quan thiên phú bén nhậy hiếm có của
ông, chú tôi không thể nào không bắt được những gì tôi đã cảm nhận nơi căn
nhà ấy.
Không gian mà chúng tôi đã từng có chung, cảm nhận chung do không gian đó
đem lại, buồn thay, cũng là cái giao tiếp thân thương duy nhất của tôi đối
với một người chú đã sớm lìa đời. Khi chú mới ba mươi hai. Khi tôi mới hai
tuổi đầu. Ngoài những điều đó ra tôi đến với chú Sáu của tôi như người xa
lạ. Hệt như bạn đến với nhà văn Thạch Lam vậy.
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phiên gió
Trước thềm bóng liễu xanh...
(thơ Huyền Kiêu)
*
Không có cây liễu, không có cây bàng trong vườn sau nhà. Từ phòng trên ngồi
đánh máy tôi trông thấy qua khung kính mùa thu rực rỡ miền Tây Bắc nước Mỹ
qua hàng cây Maple lưng chừng đồi. Ánh nắng trong vắt phía bên kia rọi chiếu
mặt sau những chiếc lá phong làm ánh lên những mảng mầu vàng óng. Trời
muốn trở rét... Qua câu nói đó của Trúc, ông cụ đã thâm trầm cảm nhận
cái tiết thu vương vương trong không gian Hà Nội. Còn tôi ở đây thì tôi chỉ
trông thấy một mùa thu lồ lộ. Cái tiết thu ở đây bị cái máy sưởi ấm trong
phòng làm cho chết khô rồi!
Tôi nhìn vào màn ảnh máy vi tính trước mặt. Màn ảnh cũng trống trơn như
trang giấy trải trước mặt ông cụ khi ông khởi viết cuốn Đôi bạn.
Tôi dự tính viết về chú tôi. Chú Sáu. Thạch Lam. Tôi không biết làm sao khởi
đầu. Tôi không biết gì về chú. Tôi không có một kỷ niệm nào với chú. Tôi
không hình dung nổi ngay cả một khuôn mặt rõ ràng của chú. Nghĩ mãi sau
cùng chỉ có một hình ảnh duy nhất gợi lên trong tôi về chú. Đó là cây liễu...
Cây liễu ven hồ... Thế là tôi bắt đầu.
Tay tôi ngừng khựng. Bốn câu thơ của Huyền Kiêu chấm dứt Thạch Lam trong
tôi. Tôi không thể đánh máy tiếp. Óc tôi như thể không truyền xuống được đến
đầu ngón tay. Tôi ngồi đó, rỗng không, đến nửa giờ. Phân vân tôi không biết
trong trường hợp này ông cụ xử trí sao nhỉ?
À, trong Đôi bạn! Tôi bật đèn điện. Lúc ngồi vào bàn, giở sách và cầm
đến bút, tôi thấy một sự yên lặng như tràn vào óc tôi; hai trang giấy đối
với tôi lúc đó sao trắng thế, trắng một cách ngao ngán. Để qua khỏi cái
phút trống rỗng không tránh được lúc bắt đầu viết, theo thói quen tôi viết
liều một câu, bất cứ câu gì vụt hiện ra trong trí:
Thì ra ông cụ cũng bí như tôi. Chắc lúc đó ông cụ đang ngồi cắn bút. Còn
tôi có bút đâu mà cắn! Tôi đọc tiếp:
“Gió lên... gió nữa lên!”
Tiếng nói của đứa bé ở dưới đường đã cứu ông cụ qua ngõ bí. Ông cụ tắt đèn
trong phòng nhìn xuống ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún và sau đó là áng văn bất
hủ "Nhặt lá bàng" đi vào hậu thế.
Không có đứa bé, không có cây bàng trong vườn sau nhà. Tôi đứng lên ra đứng
sát cửa kính nhìn xuống vườn sau, hai tay ôm cái cốc giấy có in cái vòng
tròn xanh lá mạ Starbucks Coffee còn toả hơi nóng trong lòng bàn tay. “Ngọc
hai tay ôm lấy cốc cà-phê cho ấm đứng tựa cửa sổ nhìn xuống. Trời lạnh
nhưng ở dưới vườn Thanh đã cởi chiếc áo len chỉ mặc có chiếc áo cánh. Nàng
sắn tay áo để lộ hai bắp tay trắng rồi cúi xuống cố sức kéo dây cho thùng
xuống giếng lấy nước đổ vô chiếc chậu giặt quần áo. Giặt xong, Thanh mím
môi, lấy hai tay cố sức vắt áo thật kỹ rồi rũ và đem phơi lên chỗ giây
thép có nắng. Dây thép ở gần chỗ buộc nên hơi cao, nàng phải kiễng chân mới
với tới. Bỗng nàng ngửng lên nhìn thấy Ngọc đứng ở cửa sổ, cốc cà-phê cầm
tay...” Tôi mỉm cười với nàng, cốc cà phê Starbucks trên tay. Và Thanh
cũng mỉm cười đáp lại. Rồi cô tan mất trong nháy mắt. Cũng lẹ làng như khi
cô bất thần xuất hiện. Nhân vật nữ sắc sảo ấy gần đây trở nên rất gần gũi
với tôi, sau khi tôi đã bỏ ra ba tháng trời suốt mùa hạ vừa qua để đánh
máy toàn bộ bản thảo cuốn truyện dài Giòng sông Thanh Thủy của ông
cụ. Kể từ đó như bóng với hình cô đi theo tôi trên khắp lối đi, thậm chí
còn theo tôi vào quán cà phê Starbucks ở Green Lake gần nhà tôi để so sánh
với cà phê cô pha 60 năm trước ở thành phố Mông Tự.
Dưới vườn, nắng vạt chéo vách đá sau nhà tôi, những khối đá tảng đè chồng
nhau nơi những giây lá Ivy từ cao rủ xuống thả ngang chừng bao phủ nửa phần
trên vách đá. Ngay chỗ dây thép gần chỗ buộc hơi cao nàng phải kiễng
chân mới với tới nắng đổ trên cây Japanese maple trong vườn những
nhánh lá nhỏ dài chĩa ra đỏ tươi như những tia máu. Và ngay chỗ giếng
nước cái cầu gỗ Nhật Bản xinh xinh sơn màu đỏ tươi nối với vách đá qua
một lối mòn trải sỏi. Khu vườn sau nhà tôi là tập họp của những hòn đá lớn
bé đủ hình sắc. Vợ chồng tôi đã tạo sau vườn nhà một rock garden kiểu Nhật
Bản. Từ mấy năm nay mỗi lần đi chơi tôi đã tha về một hai hòn đá lấy từ
các bãi biển các bờ suối những hòn đá tròn có vân và màu lạ mắt.
Ở giữa vườn dưới bóng cây Cherry trên cái bệ tròn xi măng là vòi nước róc
rách, trên bệ để mấy chục hòn đá hòn sỏi tôi lựa riêng vì chúng có những
đường vân và màu sắc lạ lùng nhất. Bỗng tôi chú ý nhìn kỹ. Trên bệ lẫn lộn
trong đám đá sỏi đẹp đẽ và tròn trịa kia có ba hòn đá nhỏ trông rất tầm
thường, ba hòn màu lam sắc cạnh tôi đã đặt ở đó mấy năm trước.
Ba hòn đá xanh. Ba hòn đá xanh trên con đường sắt. Thọ bỏ chiếc điện
thoại vào túi rồi nói: “Các cô chú đợi chừng mười phút thôi là có
xe đưa cô chú đến Quán Gỏi, cách đây bẩy cây số. Xe hàng về Hà Nội thì chạy
suốt đêm cô chú không sợ lỡ chuyến”. Năm chúng tôi ngồi sau năm chiếc
xe ôm, xe chạy chồm chồm trên con đường đất. Song song cách một cây số về
phía tay phải là đường tàu hoả Hà Nội - Hải Phòng. Đến ngã tư cây bàng chỗ
chúng tôi nghỉ ăn trưa, thấy xe anh Ba dẫn đầu cứ chạy thẳng chứ không đi
về hướng Cẩm Giàng, tôi bấm vai nói với chú lái xe rẽ tay phải đi về phía
đường sắt. Ở chỗ con đường đất băng ngang đường rầy, tôi bảo chú lái xe ngừng,
chờ tôi mấy phút. Theo đường ray tôi chạy vội đến trước nhà thóc, lựa một
hòn đá xanh to nhất sát gần thanh tà vẹt, bỏ túi. Nghĩ sao tôi lại nhặt
thêm hai hòn nữa rồi tôi chạy vội vàng đến chỗ xe máy. Chú lái xe rồ máy
chạy vọt đuổi theo bốn chiếc xe phía trước lúc đó đã mất hút khỏi cánh đồng
lúa.
Tôi trở lại bàn vi tính. Ngón tay tôi lua đi trên phím chữ. Tôi bắt đầu Về
Lại Cẩm Giàng.
*
Vào những năm đầu của thiên kỷ mới, tôi có dịp trở về miền đất cũ, tìm lại
thế giới tôi đã sống những ngày ấu thơ, tìm về không gian những người cật
ruột của tôi - trong số có chú Sáu - mà cuộc đời cũng như tên tuổi đã vĩnh
viễn đi vào lịch sử của văn học. Hôm nay tôi sẽ dẫn bạn cùng với chúng tôi
leo lên một chuyến tàu hoả về thăm lại một vùng đất xưa đã từng nuôi dưỡng
ba nhân vật trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, đã hun đúc nên tinh thần của gia
đình Nguyễn Tường.
Với tôi cái không gian ấy tuy bé nhỏ về diện tích nhưng bao la về tâm hồn:
Huyện (bây giờ là thị trấn) Cẩm Giàng. Nằm trên con đường sắt Hà Nội - Hải
Phòng. Thuộc tỉnh Hải Dương.
Tiếng rao hàng ồn lên ở trước cổng nhà ga Hà Nội. Mới sáng mà trời đã oi bức.
Nước đây! Ai nước nào! Lẫn trong tạp âm lao xao có tiếng chiếc xích
lô hãm gấp, tiếng còi ô tô tin tin. Bánh chưng bánh dầy nóng đây!
Tiếng sao là lạ. Không phải cái giọng rao hàng của Hà Nội một thời tôi biết.
Nóng đây hay nỏng đây? Bánh dầy nỏng đây! Cái giọng pha nửa sắc nửa
hỏi, nửa bắc nửa trung, nghe lợ thế nào ấy. Máy phóng thanh từ trong ga
nghe như hụt đi tiếng được tiếng không. Hành khách đi tuyến... Lào
Kay... Hải Phòng... Cạnh cái cổng sắt đóng chặt, cái cửa hông mở. Đám
đông đứng tản trên đường Lê Duẩn nối đuôi dồn trước cửa vào.
Chúng tôi năm người. Anh chị tôi và tôi là Việt kiều. Hai người kia là dân
địa phương, một cô em họ và một người bạn của anh tôi. Mục đích của chuyến
về Cẩm Giàng lần này là để tìm mộ ông nội chúng tôi. Rút kinh nghiệm chuyến
đi tìm mộ thất bại lần trước, chúng tôi không thuê xe hơi đi Cẩm Giàng tìm
mộ theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”, mà đi tàu hoả. Xuống ga Cẩm Giàng
chúng tôi có cả một ngày cuốc bộ để tìm, buổi chiều sẽ đón chuyến tàu Hải
Phòng - Hà Nội về lại.
Đám hành khách dồn cục trước cổng. Tôi đặt ba lô xuống đất, nhìn lên dẫy
nhà cao từng phía bên kia đường. Ở ngay góc đường Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo
trên từng cao chót những tấm biển quảng cáo to lớn đập mắt. Bột giặt. Thuốc
đánh răng. Kem bôi mặt. Các cô gái cười như hoa nở. Cô nào trông cũng trẻ
trung cũng cao cấp cũng chất lượng như các mỹ từ các cô ban
phát cho món hàng cầm tay.
Theo đám hành khách chúng tôi băng nhiều con đường sắt vòng qua những toa
tàu cũ kỹ tới một khoảng nền xi măng trông cũng hoang tàn như các toa tàu.
Trên những mảng xi măng mẻ nứt đám cỏ dại mọc lơ ngơ. Ga Hàng Cỏ! Cái tên
ga cũ nghe buồn vắng xao xác. Gợi nhớ những chuyến tàu Cẩm Giàng - Hà Nội
của một thuở nào xa vời vợi. Bảy chục năm xưa? Tám chục năm xưa? Những
chuyến tàu thả trên nền đất này dấu chân bẩy người ruột thịt của tôi mà có
đến ba tôi chẳng hề biết mặt. Bác Thụy, bác Cẩm, bố tôi, chú Long, cô Thế,
chú Vinh, chú Bách... thụy cẩm tam long vinh bách thế (Ba con rồng
gấm đẹp vinh hiển muôn đời)... Những cái tên những dấu chân tiền định.
Chúng tôi lên toa hạng nhất một con tàu trông tươm tất hơn những toa tàu
cũ kỹ chúng tôi vừa đi qua. Trên hành lang hẹp chúng tôi vào buồng nhỏ có
ghế nệm da đối mặt nhau. Thủy, người em họ chúng tôi, để cái giỏ tay lên
ghế, nói:
“Các anh ở nước ngoài về chỉ vung tiền! Ngồi ghế gỗ toa hạng ba cũng được
mà vé rẻ đến hơn nửa. Đi có bốn năm chục cây số chứ có xa xôi gì... Vẽ!”
Anh Ba, bạn của anh Việt tôi, trả lời:
“Thôi cô ơi! Không phải vấn đề ngồi đau đít hay không đau đít. Toa hạng ba
đông lắm, sợ không có chỗ mà ngồi nữa chứ!”
Tôi nhìn đồng hồ tay. Con tàu còn 10 phút nữa mới chạy. Không khí trong
toa kín cứ hầm lên thôi. Tôi ra ngoài hành lang tìm chút thoáng khoát. Qua
dẫy cửa sổ dọc hành lang tôi có thể thấy những tấm biển quảng cáo trên đỉnh
những cao ốc nhô khỏi hàng cây. Nhìn xuống dưới là những tuyến đường sắt
chằng chịt. Bỗng tôi thấy hoa mắt và tối sầm lại. Người hụt hẫng. Cái hành
lang xiêu đi.. Con tầu vụt chạy thụt lùi. Vùn vụt. Rồi con tàu đứng yên tắp.
Những cửa sổ sáng hẳn. Tu tu... Một hồi còi rúc lên cùng lúc cái
đuôi của con tàu khác vừa chạy vụt qua khung cửa. Tôi có cảm giác là cái
chuyển động của con tàu này vừa được nối sang con tàu ngoài kia đang thở
phì một làn khói đen và rúc lên hồi còi như mừng rỡ đã về đến bến sau một
chặng đường dài nhọc nhằn.
Rồi con tàu bỗng rùng mình. Tấm quảng cáo ở xa lắc nhẹ rồi từ từ chậm rãi
xoay qua ngọn cây. Tôi trở vào buồng. Con tàu vừa ra khỏi nhà ga đã như
đâm ngay vào ruột của Hà Nội. Từ tầm cao qua lưới sắt cửa sổ tôi nhìn
xuống lòng phố cổ. Đời sống riêng tư của từng gia đình lần lượt vụt qua...
Mái ngói rêu... Khoang vườn nhỏ... Cô gái ngừng tay phơi áo ngước mắt nhìn
lên... Bà cụ khăn mỏ quạ lúi cúi thổi nồi cơm sáng... Bầy gà kinh động
nhẩy tững tao tác trên sân gạch... Bên chum nước người đàn ông chụp chiếc
gáo lên đầu... Những đứa bé giơ tay vẫy vẫy... Rồi hồi còi rúc lên, con
tàu đi vào khoảng trống. Sau tấm bảng ngăn những chiếc xe máy nối đuôi dồn
cục rồ máy phun khói um một khúc phố. Trên những chiếc xe đầu sát đường
rầy những cô thiếu nữ Hà Nội với khăn vải băng kín khuôn mặt chắc là xinh
đẹp chỉ chừa đôi mắt nhẫn nại nhìn đoàn tàu dài thượt đi qua.
Nhà cửa cây cối tụt dần sau khung cửa. Con tàu đi trên đường cao. Rồi
tiếng rung chuyển loàng xoàng của xe hoả nghiến trên cầu sắt. Có tiếng anh
Việt: “Cầu Paul Doumer!” vừa nói anh Việt vừa đưa máy video ra
ngoài nhưng lưới sắt khung cửa cản tầm hoạt động của máy quay phim. Bực
mình anh xách video ra ngoài hành lang. Tôi chộp máy ảnh chạy vội theo
anh. Cuối toa chúng tôi mở cửa bước ra ngoài khoảng trống chỗ nối hai toa
tiếp giáp nhau.
Âm thanh vỡ oà. Tiếng loàng xoàng loảng xoảng chói tai. Mùi khói than khét
lẹt. Từng đợt nhấp nhô những vòng thép cong đồ sộ của thành cầu Long Biên
vùn vụt chạy qua sát cận tàu. Hai bên là lối đi dành cho người đi bộ và xe
đạp. Những người gồng gánh. Những chiếc xe thồ chở bầy gà trong giỏ nan. Ở
tít xa mé phải cuối tầm mắt xe ô tô xe hàng xe cam nhông nối đuôi trên cây
cầu mới Chương Dương đúc xi măng thẳng bằng. Tôi nhìn xuống dưới chân cầu.
Dòng sông đỏ cuồn cuộn. Tiếng nghiến loảng xoảng của con tàu nghe như vang
vọng tiếng đâm chém của binh đao. Nhị Hà còn kia! Nhị Hà còn đó! Lũ
quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông... (“Thăng Long hành khúc” - Văn
Cao).
Nổi lên trong tôi từ cõi xa xăm một buổi chiều vàng năm mươi năm cũ. Từ
một đụn cát cao ở mé sông gần cột đồng hồ - gần vị trí chân cầu Chương
Dương ngày nay - đứa bé nhìn về cầu Long Biên phía mãi tít xa bắc ngang
một dải cù lao trồng ngô xanh ngát. Bãi Phúc Xá! Trong ráng chiều những
nhịp cầu ánh lên màu thép biếc uốn lượn trên bãi ngô ngát xanh mênh mông.
Hình ảnh ấy rực trong tuổi thơ tôi một vẻ đẹp hoang tưởng. Hồng Hà...
Mênh mông... Trôi cát... tới chân làng quê...Cuối sông ngoài bến Việt Trì
có những chàng áo nâu về say sưa đời chiến vui tràn trề... (“Tiếng hát
sông Thao” - Đỗ Nhuận).
Cùng với con tầu rùng rình đi ra khỏi cầu, cánh đồng ngô trong tâm tưởng
của tôi vụt mất. Ở một khúc đường cong tôi ngoái chụp bức ảnh cầu Long
Biên trước khi cầu mất dạng. Không thấy anh Việt đâu tôi tính trở về buồng
thì anh Ba mở cửa bước ra.
“Tàu sắp đỗ ở ga Gia Lâm. Anh đi xuống toa hạng ba. Chú muốn xem sinh hoạt
của tàu đi theo anh.”
Tôi theo anh Ba lần xuống cuối tàu. Toa hạng nhì có buồng riêng nhưng ghế
gỗ. Hạng ba cả toa tàu thông thống với ghế gỗ dài hai bên thành tàu, dọc
theo dẫy cửa sổ. Đúng như anh Ba nói, toa hạng ba rất đông hành khách.
Gia Lâm! Cái tên gợi nhớ một phi trường cũ của Hà Nội hơn là tên một huyện
như ghi trên bản đồ. Từ tàu hoả nhìn về phía cầu Chương Dương tôi thấy Gia
Lâm như cánh tay vươn của Hà Nội về phía tả ngạn sông Hồng với những căn
nhà gạch nhiều từng mới xây cất. Hành khách đổ lên tàu. Tôi và anh Ba đứng
vịn lan can ở khoảng trống giữa hai toa. Anh Ba nói:
“Đây là tàu nhanh. Phần lớn khách tàu nhanh đi Hải Phòng. Tàu chỉ đỗ các
ga chính ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương... Ngoài tàu nhanh còn tàu chợ.
Tàu chợ đỗ thêm ở các ga nhỏ Phú Thị, Đình Dù, Lạc Đạo trước khi đến ga
Cẩm Giàng. Trông người ta gồng gánh lên tàu vui đáo để. Phải đi tàu chợ
mới thấy được cái cảnh các cụ ta ngày xưa đi tàu hoả. Nhưng đi tàu chợ tốn
thì giờ lắm.”
Tôi hỏi anh Ba:
“Cẩm Giàng cách Hà Nội bao xa?”
“40 ki lô mét tính theo đường sắt. Đường ô tô thì 46 cây. Đường bộ theo
quốc lộ 5 đi Hải Phòng, đến ngã tư Quán Gỏi thì rẽ trái đi thêm 6 ki lô
mét nữa.”
“Có bốn mươi cây số thôi à? Thế mà em cứ tưởng là xa lắm!”
Tôi mỉm cười. Con tàu của chú tôi chỉ vượt chưa đầy 30 miles còn gần hơn
khoảng cách từ Santa Ana đến Los Angeles thế mà nghe tả trong truyện thì
cứ như đi sang một thế giới khác.
Tám mươi năm trước nơi ga xép huyện Cẩm Giàng ngập đầy bóng tối cô Năm và
chú Sáu tôi hồi đó còn bé đêm đêm phải trông một cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu.
Hai chị em ngồi trên cái chõng nan chong mắt đợi chuyến tàu đêm cuối cùng
từ Hà Nội về. Bà nội tôi dặn phải thức đến khi tàu xuống để bán hàng, may
ra còn có thêm một vài người mua. Tiếng còi rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi
tới. “Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hàng trên sang trọng lố nhố
những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi
vào đêm tối, để lại những đóm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em
còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa
xa mãi rồi khuất sau rặng tre... Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi
thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng
theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu
như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với
Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu.
Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng
mênh mang và yên lặng” ("Hai đứa trẻ" - Thạch Lam).
Những căn nhà gạch thưa đi khi con tàu chạy xa dần khỏi địa phận Gia Lâm
vào vùng đất quê của chú tôi. Lẫn trong mùi khói than đã có thoảng mùi lúa
chín. Sát bên đường rầy những căn nhà thấp mái ngói rêu cũ, những đụn rơm,
bờ tre, ao bèo và ở đằng sau cánh đồng lúa vàng rực mở ra. Tôi nhìn xuống
đường sắt chỗ hai tấm thép cong ở các đầu toa tiếp giáp nhau chốc chốc lại
chạm xoẹt, tóe tia lửa xanh. Đường rầy đá xanh loáng loáng vụt vụt. Người
tôi như du đi trong tiếng động miên man của con tàu. Lình xình... Loàng
xoàng... Ở một lúc nào đó tiếng lình xình, loàng xoàng đổi thành
Lạch cà... Lạch cạch... Lạch cà... Lạch cạch... Rồi Ầm ầm... ào
ào... Rồi Loàng xoàng... Loảng xoảng... Rồi lại dịu hẳn.
Lình xình... Lình xình... Mùi lúa chín thoảng qua. Ngào ngạt hơn. Tôi
ngửng lên. Tàu hoả như đâm thẳng vào ruột một cánh đồng lúa bát ngát. Sát
tàu tôi có thể nhìn rõ những bông lúa chín vàng chĩu nặng. Tôi mềm đi. Mùi
lúa chín có ngái mùi khói than của con tàu. Mùi của quê hương Cẩm Giàng
tôi một thuở nào xa vợi đột nhiên bừng dậy. “Các bạn ngửi thấy, khi đi
qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn
tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh
kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ”
("Một thứ quà của lúa non: Cốm" - Thạch Lam).
Một hồi còi vang. Tàu chậm lại qua một cái ga nhỏ nhưng không đỗ. Tiếng
anh Ba:
“Đây là làng Phú Thị. Em xem làng này có gì đặc biệt không?”
Tôi nhìn vào làng. Một làng xưa tiêu điều như mọi làng khác miền quê đất
Bắc.
“Không có gì đặc biệt. Sao vậy anh?”
“Cũng như mọi làng khác thôi. Nó nổi tiếng vì đó là quê của Cao Bá Quát.”
“Vậy hả anh?”
Yên lặng một hồi rồi anh Ba nói với tôi:
“Chú cứ ở đây nghe. Anh về buồng trước. Tàu sẽ đi qua hai xã Đình Dù và
Lạc Đạo trước khi ngừng ở Cẩm Giàng.”
Anh Ba đi khỏi. Từ ở toa tàu trên có một cặp người ngoại quốc đẩy cửa bước
ra. Một cặp tình nhân trẻ, tóc vàng mắt xanh. Cả hai mặc đồ short, màu ka
ki. Anh chàng đứng gần chỗ tôi, khum tay, dí đầu vào vách để châm điếu
thuốc lá. Tôi nhìn ra ngoài. Con tàu đi ngang một nghĩa trang nằm giữa một
vùng cỏ mông quạnh. Trên vuông đất có bờ tường thấp vây quanh quét màu vôi
vàng hàng trăm ngôi mộ được xây ngay ngắn. Chính giữa một trụ cao với hàng
chữ sơn đỏ: Nghĩa trang Liệt sĩ. Nghĩa trang này cùng mẫu với những nghĩa
trang khác tôi đã thấy ở nhiều nẻo đường tôi đi qua trên đất Bắc. Cỏ xanh
đã úa khô trên những nấm mộ từ một phần tư thế kỷ. Như một cơn mộng dữ đã
xa mờ nó nhắc tôi một cuộc chiến tàn khốc đã đi qua. Một cuộc chiến mà bố
và các chú tôi đã không sống để chứng kiến.
Bên cạnh tôi cô gái tóc vàng xoã theo gió một tay ôm ngang lưng thanh
niên, tay kia gỡ điếu thuốc lá trên môi anh chàng đưa lên miệng mình hút.
Hai người trao đổi dăm câu. Không phải tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi đoán họ
đến từ nước Đức. Chắc là họ đi tàu hoả đến Hải Phòng rồi sẽ theo đường
thủy đi phà đến Vịnh Hạ Long. Người ngoại quốc đi về phía Hải Phòng chỉ có
thể là để thăm cái Vịnh ấy được xem là một kỳ quan thế giới. Tôi nhìn đồng
hồ tay, đoán già cũng sắp đến Cẩm Giàng. Rồi tôi mở cửa toa tàu đi lần về
buồng.
Tàu hụ một hồi dài, dùng dằng vào ga. Tiếng hãm ken két. Rồi giựt mạnh,
ngừng khựng. Phía trước, đánh “xèo” một cái đầu máy thở hắt như có
ai vừa tạt nước vào một chảo mỡ nóng. Chúng tôi bước xuống sân ga Cẩm
Giàng. Về phía đuôi xe lửa một đám đông hành khách bước lên tàu. Phía toa
đầu năm chúng tôi là khách duy nhất bước xuống. Tôi đưa mắt nhìn sân ke
rộng hoang vắng.
Chỗ này, non sáu mươi năm trước, ồn ào hỗn loạn. Tôi đã có từng có mặt. “Vú
già bế thằng Thiết con anh Tam tôi nào có biết Cẩm Giàng là đâu!” Tôi
sẽ vĩnh viễn chẳng thể nào biết được điều đó nếu hình ảnh tôi hồi còn bé
không được lưu giữ trong ký ức của cô Năm. Đoạn văn sau đây tả chuyến tàu
đi về đến Cẩm Giàng do cô thuật lại: “Trời càng lúc càng tối, đến ga
nào cũng phải hò hét gào lên nếu không mọi người không biết để mà xuống.
Đến ga Cẩm Giàng, tôi vội lo cho mấy đứa nhỏ xuống trước xong mới trở lên
khuân đồ đạc. Vú già bế thằng Thiết con anh Tam tôi nào có biết Cẩm Giàng
là đâu! Tôi vừa tìm vừa gọi mãi cũng chẳng thấy! Lúc tàu chạy mới trông
thấy bà vú đứng bên kia đường. Hoá ra bà ấy vội đi tiểu nên mình gọi cũng
chả thưa. Mà mình có gọi tên bà ấy đâu, toàn kêu tên cháu mình thì bà ấy
không thưa là phải!” (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường - Nguyễn Thị
Thế).
Ở phía trước anh Việt một tay cặp cái sack máy quay phim đeo vai, tay kia
cầm máy, chạy vội vàng về phía cửa ga:
“Cứ đi tự nhiên nhé! Mình phải quay con tàu này trước khi nó chạy mất!”
Từ xa máy video chĩa về phía xe lửa đang hừng hực thở làn khói trắng. Tôi
nghe anh Việt nói to vào máy:
“Đây là cái tàu hoả đưa chúng tôi về lại Cẩm Giàng. Hôm nay là ngày...
ngày gì nhỉ?... Ngày mồng Hai tháng Năm năm Hai ngàn lẻ một... Phái đoàn
chúng tôi năm người. Người quay phim là tôi, Việt. Có em tôi là Thoa,
Thiết. Có thêm cô Thủy, con cậu mợ Tín và anh Vũ Xuân Ba. Hôm nay chúng
tôi về lại quê cũ Cẩm Giàng để... Kìa, sao hai cô lại đứng ỳ ra thế kia!
Tôi quay phim chứ có chụp ảnh đâu! Cứ đi tự nhiên đi chứ! Đừng có nhìn
chầm chầm vào máy... để... để... thưa ông Nội, xin ông Nội linh thiêng phù
hộ độ trì! Chúng cháu có lòng thành lặn lội từ ở bên Mỹ bên Pháp về, xin
Ông phù hộ giúp chúng cháu tìm được mộ của Ông.”
Vâng. Chúng tôi cần một lời khấn. Không có một trợ giúp linh thiêng làm
sao có thể tìm được một ngôi mộ không có bia đã 82 năm cũ mà vị trí được
mô tả mơ hồ gần như hoang tưởng trong trí nhớ của cô tôi: “Thầy địa lý
ngày nào cũng vác địa bàn bọc trong khăn đỏ đi hết cánh đồng này đến cánh
đồng khác, mãi đến một tháng mới tìm được một ngôi đất mà theo thầy địa lý
là sẽ để mộ vào giữa miệng con rồng kia đấy. Theo con mắt của tôi thì chỉ
thấy đẹp ở ba cái ao lớn, mỗi ao lại có cồn cây cối um tùm, có nhiều hoa
tầm xuân mà tôi vẫn thích xưa nay. Còn hình con rồng thì tôi chẳng thấy
giống con rồng ở điểm nào cả.” (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường
- Nguyễn Thị Thế).
Tôi lấy máy chụp bốn người, anh Việt, chị Thoa, Thủy và anh Ba đứng trước
ga, thu lấy chữ Ga Cẩm Giàng màu sơn đỏ vào trong khung ảnh. Anh Việt chạy
vào trong ga, lát sau anh trở ra:
“Chuyến tàu chót về Hà Nội là 5 giờ kém 15. Nhớ nghe!”
Chúng tôi ra khỏi ga bước vào một con phố nhỏ hai bên có bóng mát lá bàng.
Qua một ngã tư là con đường lớn hơn chạy song song với đường sắt. Theo sơ
đồ vẽ Xóm Cầu Mới của bố tôi thì con đường này xưa kia là phố Phủ. Hai bên
phố trên một dẫy nhà gạch một từng cũ kỹ có nhiều hàng quán. Giữa đường xe
đạp, xe máy. Tôi không thấy có ô tô nhà chạy. Thỉnh thoảng có vài xe hàng.
Một chiếc xe thồ chở bầy lợn đi qua rủng rỉnh. Những con lợn thò cái mũi
hồng hồng bóng nhẫy ra ngoài lồng hít hít. Một chiếc xe cam nhông màu xanh
ve cũ kỹ kiểu Liên Xô xịch xịch chạy qua. Tôi chụp bức ảnh con phố với tấm
bảng xanh dương đề chữ Thị trấn Cẩm Giàng.
Trong lúc tôi đang ngắm phố và chụp ảnh, Thủy và chị Thoa dừng lại ngó vào
mấy cửa hàng. Trước hè ở hai bên cánh cửa một tiệm tạp hoá có căng mấy cái
áo len bầy bán. Phía trong tối tối, trông không sáng sủa gì hơn cửa hàng
tạp hoá của ông Ninh Ký trong Xóm Cầu Mới. Tôi nhìn quanh không thấy anh
Ba và anh Việt đâu. Lát sau ở một quãng nơi góc đường tôi thấy anh Ba chặn
một bà già hỏi chuyện. Bà già so với bác Lê gái cũng không tươm tất hơn
mấy. Cũng chiếc khăn mỏ quạ, cũng cái áo cánh trắng bạc thếch. Hai người
đứng nói chuyện một chặp rồi bà già chỉ tay về hướng tôi đứng. Tôi bước
lại phía anh Ba thì có tiếng cười trong trẻo của một cô gái. Lại có cả
tiếng nói anh Việt. Hoá ra anh đang trong quán nước. Anh Việt hơn tôi gần
mười tuổi nhưng trông anh trẻ lắm, tính cũng trẻ trung. Về Việt Nam gặp cô
hàng nào xinh xinh là anh táp vào hỏi chuyện liền tự nhiên như không. Tôi
nghĩ bụng anh đi tìm mộ cụ chôn đã trên 80 năm mà cứ nhè hỏi mấy cô trẻ
trẻ thì anh có khấn vái cũng vô ích, còn khuya mới tìm ra mộ!
Chúng tôi đi theo anh Ba ngược về phía ga. Anh nói:
“Mấy cụ ở đây không cụ nào biết. Cụ vừa rồi nói nên gặp ông chủ tịch xã.
Cụ nói ông chủ tịch cái gì cũng biết. Nhà ông ở ngay phía sau ga.”
Chúng tôi đi ngược lại con đường nhỏ có nhiều cây bàng. Đến gần sát ga,
anh Ba rẽ trái vào một con đường đất nhỏ. “Nhà thứ năm bên tay trái”.
Anh vừa nói vừa đếm những căn nhà đi qua. Những căn nhà cũ bé nhỏ có hàng
rào dâm bụt phía trước. Ngay chỗ rẽ vào một con đường đất khác, dưới một
bụi tre lớn, anh dừng lại. Chúng tôi đứng tụ trước cửa một căn nhà gạch
cũ, trước cổng có treo lá cờ đỏ. Bên vách tường có hàng chữ đỏ rất nhạt,
nước sơn đã phai đi chữ còn chữ mất: “Không gì quý hơn độc... tự do ...”.
Không gian êm ả quá. Tiếng gió rì rào. Bóng lá tre chạy loáng trên con
đường đất. Không một bóng người. Cổng ngoài có khoá. Tiếng anh Ba nói to
vọng vào trong sân:
“Có ông chủ tịch xã ở nhà không?”
Anh lặp lại hai ba lần. Không có tiếng trả lời. Bỗng từ phía trong sân.
Cúc cù cu ... cu...! Tiếng gà gáy khứa vào không gian tĩnh lặng nghe
như vọng về từ một cõi xa xăm của thời quá vãng. Tôi tưởng như vừa được
nghe lại chính cái tiếng gà gáy xưa nổi lên, tiếng gáy đã ướp sâu vào tuổi
thơ tôi từ trên một nửa thế kỷ qua.
Ở căn nhà sát cạnh một người đàn ông đi ra. Ông ta đội nón cối, mặc áo nhà
binh bạc màu, lẳng lặng vắt chân lên chiếc xe đạp cũ, phóng đi, không nhìn
chúng tôi. Đạp được mấy cái, cũng không quay đầu lại, ông ta ném về phía
trước một câu nói trống không, thật to:
“Ông chủ tịch đi Hà Nội rồi!”
Chúng tôi nhìn nhau, chưng hửng. Việc tìm mộ chưa chi đã kịch đường. Tôi
đề nghị:
“Hay là mình không hỏi mộ nữa. Cứ hỏi vị trí ba cái ao, ba cái ao có cồn
cây cối um tùm, như đã tả trong hồi ký của cô Năm.”
Anh Ba nói:
“Không được! Huyện Cẩm Giàng có biết bao nhiêu là ao. Chắc gì bây giờ cái
ao nó còn giống như ngày xưa.”
Tiếng anh Việt xen vào:
“Thôi, hoãn cái việc tìm mộ. Bây giờ mình đi tìm cái trại Cẩm Giàng. Cũng
gần đây thôi. Tìm được trại biết đâu láng giềng họ biết chỗ chôn của ông
nội.”
Anh Ba nói:
“Vậy thì anh đi trước dẫn đường đi!”
Chúng tôi lại trở vào trong ga. Đứng ở ga nhìn ra con đường sắt anh Việt
chỉ tay phải: “Đây là hướng Hà Nội”. Tay trái: “Hải Dương!”. Rồi anh ngừng
lại suy nghĩ:
“Theo trí nhớ thì trại nằm về phía tay trái nhà ga cách ga cũng không xa
lắm. Phiền nỗi là cái ga này được xây lại. Mà xây lại không biết có đúng
vị trí ga cũ không. Xây ở bên này hay bên kia đường sắt? Nếu xây cùng bên
thì phải đi về hướng này. Nếu xây khác bên thì phải đi hướng kia. Thôi thì
cứ cho là ga xây đúng ở trên nền ga cũ... đi theo tôi!”
Men một lối mòn sát cạnh đường rầy chúng tôi đi về phía Hải Dương. Bên
trái đường mòn, tức phía bắc đường sắt, là hàng rào vườn sau của những căn
nhà ngói xiêu cũ. Bên phải là đường xe hoả, nhiều đoạn tôi phải dẫm hẳn
lên thanh tà vẹt bước trên những hòn đá răm sắc cạnh. Bỗng tôi nhìn hai
thanh ray song song và chợt thấy bề ngang giữa hai thanh hẹp quá! Từ hai
mươi năm nay mắt tôi đã quá quen nhìn cái đường rầy rộng ở sở làm của tôi
bên Mỹ.
Rất sâu dưới chân tôi, xuyên qua chiều dầy của quả địa cầu, trong khuôn
viên của nhà máy lọc nước thải thuộc thành phố Renton, cô Suzanne với
chiếc áo choàng trắng chừng vài giờ nữa sẽ bước đi trên những hòn đá răm
sắc cạnh của con đường rầy rộng ấy. Mỗi sáng khi trời còn mờ tối cô bước
đi lấy mẫu nước thải đem về phòng thử nghiệm hoá học của nhà máy để phân
chất. Công việc đó đúng ra của tôi. Đáng lẽ tôi cũng sẽ bước trên đường
rầy rộng ấy nếu không có chuyến nghỉ hè về Việt Nam ba tuần lễ để mang di
cốt của bố mẹ chúng tôi từ Sài Gòn về chôn cất nơi nguyên quán ở Hội An và
sau đó là chuyến đi Hà Nội về thăm Cẩm Giàng này. Khúc nhánh đường xe
goòng đâm vào trong sở tôi được nối từ đường sắt chính của thành phố có
mục đích để toa goòng một năm hai lần cung cấp cho nhà máy hoá chất
chlorine thể lỏng, dùng khử trùng sau khi nước thải đã được tinh lọc. Tôi
chợt nhớ tới việc về Hà Nội mua vài món quà nho nhỏ tặng Suzanne và bốn cô
Mỹ cùng làm việc với tôi trong phòng thử nghiệm, như thông lệ chỗ tôi làm
mỗi khi đi chơi xa.
Anh Việt ngừng lại. Phía trước chắn một con đường đất rộng. Đường ấy nằm
theo hướng bắc nam cắt ngang đường sắt. Bên kia đường đất không có lối
mòn, không nhà cửa, chỉ toàn một màu xanh vàng của cánh đồng lúa chín. Anh
Việt quay trở lại đường mòn nhìn sâu qua hàng rào. Anh nói:
“Trại Cẩm Giàng phải ở chỗ này. Tôi nhớ là trại ở sát con đường đất băng
ngang đường sắt. Lạ nhỉ? Không lý trại lại ở gần nhà ga đến thế. Cách ga
có hơn trăm thước thôi à? Mình nhớ là không xa nhà ga lắm nhưng đâu đến
nỗi gần quá như thế nhỉ. Hay là hồi bé mình thấy cái gì cũng xa xôi?”
Chúng tôi nhìn qua hàng rào dâm bụt. Sau cái vườn hoang là một căn nhà
gạch khá rộng trông cũ kỹ. Trên tường có sơn hàng chữ “nhà thóc”
nét rất mờ. Nếu đây đúng là vị trí của trại Cẩm Giàng thì căn nhà thóc này
hoàn toàn không liên hệ gì đến cái cái trại trong tâm tưởng của chúng tôi,
cái trại đã bị thiêu rụi từ thời Pháp thuộc và nhà thóc này được xây trên
nền hoang tàn của trại ấy.
Tôi nhìn mảnh đất xưa. Bốn năm trước cô Năm tôi đã qua đời ở Virginia, đất
Mỹ. Tôi tưởng tượng khi đôi mắt cô khép lại lần cuối cô đem theo về thế
giới bên kia trại Cẩm Giàng của cô cùng với hình ảnh những người thân
thương mà bóng họ đã một thời phủ trên mặt đất trước mắt tôi.
“Mẹ tôi tính về Cẩm Giàng mua mấy mẫu ruộng ngoài cánh đồng làm nhà
tranh. Ở quê có bà cả Hội bạn cân gạo của mẹ tôi ở Cẩm Giàng có hai mẫu
ruộng ở khỏi ga ngay cạnh nhà bà. Mẹ tôi xem đất ưng ý ngay. Bắt đầu đào
ao để lấy đất làm nền nhà. Xung quanh có hàng rào trồng toàn trúc. Nhà làm
bằng gỗ lợp rơm, cột vuông, xung quanh nhà bốn mặt đều là hàng hiên rộng.
Nhà có ba gian, gian đầu làm phòng khách, ở giữa thờ ông bà, gian trong để
ở. Trần nhà lát nứa đập thẳng. Mái lợp rơm rất dầy, tới nửa thước, xén đều
rất đẹp. Quanh nhà có lan can gỗ trông như nhà Nhật Bản, ai đi qua cũng
khen nhà lợp bằng gì mà đẹp thế!
Hai mẹ con ra ngồi đầu hè trăng thanh gió mát, hồi tưởng lại những ngày
ở Hà Nội nhà cửa chật hẹp, trò chuyện đến khuya mới đi ngủ. Mẹ tôi rất
sung sướng vì đạt được ước nguyện. Có được căn nhà ở giữa nơi cánh đồng
rộng rãi, lại gần quê ngoại. Tôi cũng không ngờ rằng trại Cẩm Giàng sau
này là nơi tụ họp đông đảo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và thân hữu, nó còn là
bối cảnh cho nhiều cuốn tiểu thuyết nổi danh của các nhà văn nổi tiếng,
bạn bè của anh em tôi.” (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường -
Nguyễn Thị Thế).
Đó là hình ảnh trại Cẩm Giàng theo trí nhớ của cô Năm, người nữ duy nhất
của gia đình bẩy anh chị em thuộc thế hệ đầu mà ngày nay chỉ còn lại người
em út. Chú Bách tôi. Sang đến thế hệ thứ hai - thế hệ đông đảo của tất cả
các anh chị em họ chúng tôi đã ít nhiều có chung kỷ niệm thời thơ ấu dưới
mái trại Cẩm Giàng - thì trại đã nhòe đi đường nét chính nhường chỗ cho
thế giới mộng tưởng của cây lá hoa cỏ. Ba trích đoạn sau đây của Giang,
con chú Sáu, của tôi và của chị Thoa là hình ảnh Trại những năm 1943-45,
qua con mắt của những đứa bé - theo thứ tự - bốn, năm và bẩy tuổi. “Ngày
xưa... Căn nhà Cẩm Giàng, nơi có nhiều đoá hải đường ven lối sỏi dẫn vào
nhà, có những cây khế trong vườn lâu đời đến nỗi chúng tôi có thể trải
chiếu nằm và há miệng cắn những trái thấp nhất, rồi một bụi ổi ở cuối vườn...”
(“Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng” 1971- Nguyễn Tường Giang). “Trong
ký ức xa thẳm nhất của tôi về trại Cẩm Giàng là cái hàng hiên rộng và dài
có rặng hoa ti-gôn rủ xuống và tiếng còi xe lửa rúc lên trong đêm khuya.
Hai đoạn văn tả anh chàng Siêu thích sống ở căn nhà có hàng hiên và tiếng
còi tàu ở Lăng Cụ Quận khiến tôi như sống lại những ngày rất xưa cũ.”
(“Về lần tái bản Xóm Cầu Mới năm 2002” - Nguyễn Tường Thiết). “Mỗi khi
có chuyến tàu hú từ đằng xa sắp về qua trại là các cháu không ai bảo ai
chạy ùa ra cổng dẫm lên các hoa tóc tiên và các hoa bà trồng chạy thẳng
tắp ra cổng. Cổng sơn xanh có cây bông giấy màu xác pháo, hai bên cổng là
những cây xương rồng cao vút. Nhà cụ Hội bên ngoại trồng rất nhiều cúc
trắng nhỏ như đầu ngón tay mọc đầy vườn nổi bật lên một khoảng trắng xoá.
Cháu nhớ có lần ra ao hình bầu dục có cây sung cổ thụ, thân cây lớn nằm
vắt ngang một phía mặt ao, dưới nước lăn tăn bèo tấm từng mảng. Thỉnh
thoảng có vài con cá rô, cá riếc lay động dưới chân bèo.” (“Thư gửi
chú thím Bách”. Marseille 24/3/1999 - Nguyễn Kim Thoa).
Có tiếng thở nhẹ bên má tôi. Đầu của chị Thoa ghé sát. Hai chị em vạch
hàng rào lá râm bụt nhìn sâu vào trong khu vườn hoang vắng của nhà thóc.
Nơi đó chúng tôi nhìn thấy trong tâm tưởng hình bóng chính mình chạy ùa ra
cổng. “Mỗi khi có tiếng còi tàu vang đến, thì không ai bảo ai, đều chạy
ra bờ ao, thích thú nhìn hai chuyến xe gặp nhau tại nhà ga. Hai chuyến xe
hoả giống như hai người bạn, biết đợi nhau, gặp nhau rồi mới kéo còi từ
giã nhau, rất có lễ độ, và bao giờ cũng nhường cho kẻ đến sau đi trước.”
(Trên sông Hồng cuồn cuộn - Nguyễn Tường Bách).
Tiếng chị bên tai tôi như một hơi thở:
“Không còn một chút gì cả. Ngay cả cái ao ngày xưa cũng biến mất.”
Sáu mươi năm sau. Không chừa một ai, không một lựa chọn nào khác, hai thế
hệ những người đã từng in bóng trên nền đất này của trại Cẩm Giàng lần
lượt bước qua làn ranh bên kia... bên kia thế giới... bên kia bờ đại
dương... như thể định mệnh đã chụp xuống cho cả một cái chi nhỏ của dòng
họ Nguyễn Tường, cái chi - lạ lùng thay - cũng khởi đầu bằng một chuyến đi
xa.
Cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, tiến sĩ khoa Nhâm Dần năm Thiệu Trị thứ hai (1842)
là người đầu tiên của họ Nguyễn Tường rời bỏ đất Quảng Nam đi làm quan và
lập nghiệp ngoài Bắc. Cụ không thể ngờ rằng cuộc hành trình định mệnh đi
về phương Bắc của cụ sẽ dẫn dắt chúng tôi đi xa đến như thế...
Gối đầu giấc mộng chưa tan
Sáu mươi năm thoảng như làn hương bay...
(dựa thơ Khoa Hữu - Tưởng niệm Nhất Linh)
Tiếng gọi của anh Ba kéo giật tôi về hiện tại. Anh đứng ở ngã ba đường
đất, giơ tay chỉ về hướng bắc của con đường sắt. Chúng tôi đi đến chỗ anh
đứng rồi cùng nhau rẽ trái. Bên phải đường đất là bờ tre, bên trái là dẫy
nhà gạch hai từng trông như mới xây cất. Anh Ba đứng lại ở một cây trụ
điện truớc dẫy nhà gạch. Trên tấm bảng sắt sơn màu xanh dương có đề tên
đường Thạch Lam. Không biết tình cờ hay cố ý con đường đất mang bút danh
của chú tôi lại nằm ngay bên hông của trại Cẩm Giàng xưa. Và kỳ diệu hơn
nữa chính trên con đường đất này lát nữa sẽ dẫn chúng tôi về tới ông nội.
Đường Thạch Lam ngắn. Đi xịch lên hướng bắc một quãng là hết đường. Ở ngã
ba chỗ một con đường khác cắt ngang là một cái chợ nhỏ. Chợ ngoài trời bày
bừa trên hai bên bờ đường đất, lan cả giữa lòng đường, xe cộ qua lại khó
khăn. Chúng tôi đi lẩn vào chợ. Thủy chọn mua bánh gai. Chị Thoa tìm bánh
đậu xanh Hải Dương. Anh Ba và anh Việt không thấy đâu, chắc là đi dò hỏi
mộ. Tôi đứng dưới bóng mát của rặng tre bao phủ nhìn lên vòm lá và thấy
gió ở trên ngọn cao. Một con chim chào mào đậu nhún theo đà ngả nghiêng
của ngọn tre vút cong. Dưới cây bàng thấp một cái trõng tre bày chè nước
và bánh trái. Bà cụ răng đen ngồi bán hàng ở phía sau làm tôi nhớ đến bà
cụ bán hàng có cái yếm đỏ thắm bên gốc cây đa ở đoạn văn “Về thăm làng”
của bố tôi trong truyện Xóm Cầu Mới. Bất giác tôi tưởng tượng mình
là anh chàng Siêu trở lại cái chợ quê hẻo lánh này. Không phải mười năm
sau mà những sáu mươi năm sau. ”Ít lâu nữa Mùi sẽ đi lấy chồng, có con
và chàng cũng lấy vợ, ai người nấy hai cuộc đời riêng biệt hẳn, Siêu cảm
thấy trước cái buồn của lòng chàng một hôm nào, độ mười năm sau chàng lại
sẽ đến cái chợ này một mình, để có lại được cái tâm hồn chàng hiện nay và
để buồn rầu một cách êm ái nhớ lại một hôm đã xa xôi ở đúng chỗ này lòng
chàng đã rung động vì yêu Mùi.” (Xóm Cầu Mới - Nhất Linh). Dù
chỉ là tưởng tượng nhưng lòng tôi cũng se một nỗi buồn dịu dàng. Tôi vừa
có cảm tưởng như là hôm nay tôi đã không trở về cái chợ quê này một mình
mà có cả ba người là bố tôi, Siêu và tôi cùng dắt nhau về làng.
Anh Ba, anh Việt trở lại chợ cùng một lúc giục chúng tôi đi. Anh Ba nói
chúng tôi phải đi ngược lại đường Thạch Lam vì các cụ đều chỉ về hướng một
cái làng ở phía bên kia của đường tàu hoả. Trên đường đất ở chỗ nhô cao
băng qua đường sắt một cô bé đội nón lá khó nhọc đạp chiếc xe cũ trên vụn
đá lởm chởm. Có tiếng anh Việt kêu:
“Này em ơi, em có biết chỗ nào có nhiều ngôi mộ cổ không?”
Có bé hất mặt về phía trước, nói to:
“Làng La A!”
Năm chúng tôi bước qua bốn thanh ray đi theo cô gái đạp xe trên đường đất
hẹp. Hai bên là đồng trống. Một vài cây bàng đứng trơ trụi. Phía trước
mặt, khoảng cây số, Làng La A như một cái mâm xanh đậy lên cánh đồng lúa.
Đi được nửa đường đến chỗ một cây bàng có tiếng Thủy nói với chị Thoa:
“Tôi chịu hai ông anh! Bẩy mươi tuổi rồi mà đi không biết mệt. Thôi chị em
mình ngồi xuống đây nghỉ. Cũng quá trưa rồi, mình lấy cơm nắm ra ăn, có cả
bánh gai mới mua...”
Thủy đặt giỏ xuống đất chỗ có bóng mát, lục thức ăn.
“Giời ơi ! Lại quên mang nước uống rồi...”
Tôi đặt ba lô xuống đất lấy ra chai nước suối mua ở Hà Nội đưa cho Thủy.
“Tôi có nước đây! Nhưng lại quên không mua cốc giấy...”
Thủy nói:
“Uống chung cũng được có sao đâu. Các anh ở nước ngoài về chỉ vẽ vời.”
Anh Việt đưa máy video về phía làng rồi anh chậm rãi xoay người thu vào
ống kính một vòng tròn toàn cảnh huyện Cẩm Giàng. Tôi cũng đưa mắt nhìn
khắp tứ phía, tìm cái cây đa mâm sôi đã một thời là cái đích cao nhất toàn
huyện Cẩm Giàng. Cây đa này là có thực chứ không phải bố tôi tưởng tượng
ra khi ông viết Xóm Cầu Mới. Nhưng cả một vùng rộng trống trải tôi
không thấy bóng một cây nào to lớn.
Phía sau lưng Thủy và chị Thoa tôi thấy anh Ba đứng xây lưng ở giữa cánh
đồng lúa, những cánh lúa che phần dưới của anh, đầu anh cúi xuống. Tôi đặt
máy ảnh xuống cạnh ba lô rồi theo một cái mương tôi đi lèn giữa những bông
lúa về phía anh Ba đứng. Lần đầu tiên kể từ những ngày còn bé tôi mới lại
được tiếp xúc với những bông lúa chín chĩu nặng chạm sát vào cánh tay trần
của tôi. Mùi lúa đậm hương ngào nhạt. Những con châu chấu bé tí màu xanh
mạ nhẩy búng trên những nhánh lúa giao động. Trí nhớ tôi vụt hiện hình ảnh
thằng bé một thuở nào xa xưa chạy dẫm trên đám cỏ tranh cánh đồng làng
Phượng Vũ, từ dưới chân vô vàn những con cào cào xòe lớp cánh đỏ bên trong
tung bay. Gần chỗ anh Ba đứng là một bãi cỏ hẹp, xung quanh lúa cao. Tôi
nhìn thấy hình bóng bé tí của mình hồi đó ngồi chồm hổm xuống cỏ, chân đất
chạm nền ẩm, buổi sáng sớm mờ tối còn đẫm hơi sương. Nó thấy lành lạnh ở
hai mông. Những cọng cỏ cao ướt sương châm vào đít nó ngứa ngứa. Thằng bé
khệnh khạng chuyển chỗ. Nó cúi xuống nhìn dòng nước tiểu xoáy vào đất ẩm
bốc khói. Rồi nó cúi xuống sâu hơn nhìn ngược sau thấy cục phân của nó mềm
mại uốn tròn, ngửi thấy mùi trong người nó tiết ra hoà với mùi lúa, mùi rạ
ẩm, mùi cứt trâu, tất cả tạo thành mùi hương của quê đồng cỏ nội; mắt nó
nhìn thấy những cọng cỏ ướt hơi sương đọng thành từng mảng như những mạng
nhện bằng thủy tinh lóng lánh trên nền đất cỏ mờ mờ sương khói; nghe thấy
trong không gian tĩnh lặng tiếng oạp oạp của ếch nhái nổi lên từng chặp
đâu đây. Tôi khẽ rùng mình rồi đi theo anh Ba về chỗ cây bàng.
Sau bữa ăn trưa qua quýt chúng tôi tiếp tục đi. Chúng tôi rẽ trái qua một
con đường đất khác. Ở một ngã ba gần đến làng dưới bóng cây bàng có dựng
một mái tôn sơ sài, bên cạnh là một bãi sắt vụn. Dưới mái tôn, một thanh
niên mặc chiếc áo màu ve cũ cầm búa gõ lên một thanh cảng sắt của xe ô tô.
Anh ta dừng búa nhìn năm chúng tôi tiến lại gần. Anh Việt hỏi:
“Chúng tôi đi tìm một ngôi mộ cổ của một người thân thích, chôn đã trên 80
năm. Các cụ ở bên Cẩm Giàng đều nói là ở làng này có nhiều mộ cổ. Nếu anh
biết nhờ anh chỉ hộ chỗ những ngôi mộ ấy. Ngôi mộ chúng tôi đi tìm thuộc
một người họ Nguyễn Tường.”
Anh thanh niên nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, rồi anh đáp:
“Cháu ít tuổi không biết. Nhưng bố cháu có nói với cháu là ở trong làng,
cạnh bờ ao, có một ngôi mộ của một người họ Nguyễn Tường, mộ được chôn rất
sâu phải dùng đến bốn chão. Đã từ lâu đất ao lở, mộ đã chìm xuống dưới ao.
Các chú cứ vào làng hỏi những người lớn tuổi ai cũng biết mộ ấy ở chỗ
nào.”
Ngừng lại một lát, như vừa nhớ ra anh ta nói tiếp:
“Bố cháu nói đó là mộ cụ thân sinh ra ông Nguyễn Tường Tam...”
Tôi lặng người. Không có linh thiêng, phù hộ nào cả. Chính tên tuổi bố tôi
lưu truyền qua hai thế hệ những người dân làng ở đây đã giúp chúng tôi tìm
ra mộ mà bình thường không chút hy vọng tìm được. Sau này chúng tôi sẽ xây
cất mộ ông nội tử tế. Sau này các thế hệ kế tiếp của dòng họ Nguyễn Tường
có thể đến viếng mộ tổ khi có dịp trở về quê cũ Cẩm Giàng. Thực hiện được
công việc quý hoá ấy là nhờ cái danh bố tôi để lại; quả thật bố tôi đã trả
hiếu cho thân phụ mình một cách tuyệt hảo, tuyệt hảo như chính cuộc đời
của ông, tuyệt hảo như chính cái chết của ông. Lòng tôi dâng lên một niềm
thương cảm lẫn tự hào vô biên của tôi về một người cha.
Chúng tôi phấn khởi đi vào làng. Sau này tôi được biết làng này trước đây
mang tên làng La Chữ. Họ đổi tên thành làng La A để phân biệt với làng La
Bê ở cạnh. Đến cổng làng dưới hàng tre anh Ba và anh Việt tiến đến hỏi một
bà cụ đang đứng một mình trên đường đất nhìn chúng tôi từ xa. Cụ có vẻ
ngạc nhiên dương mắt nhìn năm người khách lạ mà cách phục sức chắc phải từ
phương xa tới. Sau khi nghe anh Việt nói, cụ cũng lại nhìn chúng tôi từ
đầu đến chân, rồi cụ đáp:
“Tôi biết rồi. Các ông đi tìm mộ cụ Thông Nhu!”
Anh Việt mừng rỡ, hỏi lại:
“Vậy cụ biết ông Thông Nhu?”
“Cụ Thông thì tôi không biết. Nhưng tôi biết cụ bà. Trước kia tôi ở bên
Cẩm Giàng. Nhà tôi gần nhà bà cả Khẩn. Bà Khẩn ở cạnh nhà ông bà thông
phán.”
Nghe đến tên bà cả Khẩn chúng tôi cùng reo lên: “Đúng rồi!”. Trong
họ tôi ai cũng biết bà hàng xóm lắm chuyện này, rất kình với bà nội chúng
tôi. Chị Thoa xen vào:
“Quý hoá quá! Cụ Thông Nhu là ông nội chúng cháu. Cháu từ bên Pháp về tìm
mộ ông. May quá được gặp cụ. Vậy chắc cụ biết mộ ông nội chúng cháu chôn ở
đâu?”
“Biết chứ! Mộ ở cạnh ao. Để tôi dẫn các ông bà đi!”
Nói xong cụ đi trước. Anh Ba hỏi cụ:
“Thưa cụ năm nay cụ được bao nhiêu tuổi?”
“Tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu. Chắc cũng hơn tám mươi lâu rồi.”
Anh Ba khen:
“Cụ trông còn khỏe quá nhỉ!”
Chúng tôi đi trên con đường làng lát gạch, hai bên là hàng tre. Những căn
nhà ngói cũ thấp thoáng sau vườn. Nhà nào ở sát bên cũng có một đụn rơm
to. Thỉnh thoảng lộ cái ao nhỏ, bèo xanh phủ kín mặt. Một con bò buộc ở
gốc tre nhai cỏ chậm rãi. Không một bóng người. Một con chó con, chó mực,
từ trong vườn chạy sộc ra sủa, kéo ran theo những tiếng sủa khác ở đâu đó.
Chúng tôi đến gần, con chó con vừa lùi vừa sủa, đầu ngếch cao. Nó gấu gấu
sủa tấm tức trong cổ họng. Một con khác to hơn, con vện, nằm dài dưới dậu
mồng tơi chỉ hự lên vài cái lười biếng. Rồi có tiếng gà gáy nghe vọng từ
rất xa. Tất cả những tiếng động đó chỉ làm tăng thêm cái yên vắng của làng
quê, tương phản hẳn với tiếng xe ồn nhức nhối tôi nghe ở Hà Nội. Chúng tôi
đi qua một cái ngõ tre. Nhìn sâu vào ngõ, thốt nhiên tôi thấy như tôi đã
sống cái cảnh này một lần. Hình ảnh ngõ tre từ một thời rất xa
tưởng đã chìm trong vũng sâu quá khứ đột nhiên ngoi lên. Một năm sau, ngồi
đánh máy để tái bản cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới của bố tôi, đến đoạn văn
sau đây, tôi cứ rờn rợn như thể hai bố con tôi đã cùng nhìn vào một cái
ngõ tre và cùng cảm thấy cái huyền bí của nó: “Đi khỏi nhà ông Chánh
Hoạt, Siêu ngừng lại để nhìn vào một cái ngõ; cái ngõ ấy hai bên tre cao
rào sát nhau nên bao giờ cũng tối và đầy lá khô; cuối ngõ lộ ra một quãng
cánh đồng sáng và ở chân trời, hình lờ mờ và tím nhạt của một trái đồi
nhỏ. Trước kia đi học về qua, lần nào chàng cũng không quên nhìn vào cái
ngõ ấy và có cái cảm tưởng như đứng ở một thế giới nhìn qua ngõ tre sang
một thế giới khác.”
Tôi bước lên trước đi cạnh bà cụ. Tôi hỏi cụ:
“Cháu nghe nói huyện Cẩm Giàng ngày xưa có một cây đa rất to và cao, gọi
là cây đa mâm sôi. Cụ có biết nó nằm ở đâu không?”
“Có. Cây đa lớn lắm! Nó đổ lâu rồi. Nó cũng nằm gần đây thôi ở phía làng
La Bê!”
À, ra nó nằm ở phía nam đường sắt! Khi viết Xóm Cầu Mới bố tôi đã bứng cả
cái cây vĩ đại đó đặt lên phía bắc. Tôi lại hỏi cụ:
“Thưa cụ, lúc nãy cụ nói nhà cụ ở ngày xưa gần nhà bà cả Khẩn, vậy cụ có
nhớ cái trại Cẩm Giàng của ông bà nội chúng cháu bây giờ ở chỗ nào không?
”
Bà cụ trả lời tôi:
“Trại đó cháy lâu lắm rồi. Chỗ đó bây giờ người ta xây nhà chứa thóc.”
Rồi cụ quay phía sau nói với anh Việt:
“Bên cạnh đây là cái ao. Mộ cụ Phán ở phía bên kia ao.”
Chúng tôi đi ra khỏi vùng rợp của bóng lá tre rẽ vào một lối mòn đến khu
đất có nhiều gò đống. Những ngôi mộ lác đác lẩn trong đám cỏ tranh. Nhiều
ngôi trông lạ mắt, không phải hình chữ nhật như tôi thường thấy, mà hình
tròn, ba bốn lớp gạch tròn chồng nhau nhỏ dần ở trên.
Đến trước một cái ao, bà cụ chỉ vào một mô đất sát bờ ao, nói:
“Mộ cụ Phán chỗ này. Đúng ra không phải ở ngay đây mà xích ra chừng hai
thước. Vì đất lở nên mộ vùi xuống ao. Nhưng mộ cụ chôn sâu lắm, sâu những
bốn chão cơ.”
Tôi nhìn cái ao phủ đầy bèo, thấy cái ao cũng không to lắm như tôi tưởng.
Bên kia bờ ao là nhà cửa, cây cối san sát um tùm. Tám mươi năm trước chắc
hẳn đây là vùng đất ít cây nên cô Năm tôi mới có thể trông thấy cùng lúc
ba cái ao. Anh Việt hỏi:
“Thưa cụ, cụ có chắc chắn mộ ở chỗ này không?”
“Tôi chắc chắn lắm nên mới chỉ cho các ông bà. Với lại một người thì có
thể lầm chứ cả làng này họ đều chỉ vào một chỗ thì làm sao mà lầm được!”
Chúng tôi ngồi nghỉ ở bờ ao. Anh Việt xách máy quay phim đi trở ngược vào
trong làng, anh nói là anh đi thám thính xem thực có ba cái ao như cô Năm
viết trong hồi ký hay không. Chặp sau anh quay trở về nói có ba cái ao gần
nhau, nhưng ao bé lắm, không to như cô Năm tả đâu. Cùng thời gian anh Việt
quay trở lại có hai thanh niên đạp trên hai chiếc xe từ trong làng lại
gần. Một trong hai người chính là cái anh chúng tôi đã gặp ở bãi sắt. Vừa
quẳng chiếc xe đạp anh ta đến ngay sau mô đất ở bờ ao, nói với chúng tôi:
“Bố cháu chỉ mộ cụ thân sinh ông Nguyễn Tường Tam chôn ở chỗ này này.”
Chúng tôi lúc đó mới hết nghi ngờ. Anh ta tên là Nguyễn Hữu Thọ. Địa chỉ
Thôn La A, xã Kim Giang, Huyện Cẩm Giàng, Tỉnh Hải Dương. Anh ta còn cho
chúng tôi cả số điện thoại. Còn anh thanh niên kia đi xe đạp cùng với Thọ
tên là Ngô Như Lợi. Lợi là con trai trưởng bà cụ đã chỉ ngôi mộ cho chúng
tôi. Anh Ba tiến tới gần bà cụ và hai thanh niên, anh thay mặt tất cả
chúng tôi ngỏ lời cám ơn. Sau đó anh Việt bàn với chúng tôi là khi về Hà
Nội phải đi thửa ngay một tấm bia, hai ngày nữa chúng tôi sẽ cùng trở lại
đây để dựng bia chỗ sát bờ ao. Chúng tôi cần đánh dấu ngay địa điểm ngôi
mộ. Sau này chúng tôi sẽ thuê một xe đất đổ xuống bờ ao để xây mộ chính
thức lên trên. Anh Lợi sốt sắng tình nguyện giúp chúng tôi dựng bia. Chúng
tôi đưa tiền cho anh để mua xi măng, hẹn anh hai ngày sau chúng tôi trở
lại đây với tấm bia. Tôi đề nghị với anh Việt mộ bia nên viết giản dị như
sau:
nguyễn tường nhu
1881-1918
Mất: 23-10-Mậu Ngọ
Tôi ngồi xuống cạnh Thủy và anh Việt. Thấy chúng tôi tìm được mộ ông dễ
dàng, Thủy cứ tấm tắc khen mãi là chúng tôi có phúc đức lắm. Bởi vì chính
Thủy cũng ra công tìm mộ bố, tức là cậu Tín, em ruột mẹ chúng tôi, từ bao
nhiêu năm nay mà không kết quả. Cậu Tín bị Việt Minh sát hại và chính anh
Việt lúc tản cư với mẹ chúng tôi ở phủ Thường Tín đã chứng kiến cậu Tín bị
bắt còng tay với bác Nguyễn Tường Cẩm. Như vậy nếu Thủy tìm được chỗ chôn
cậu Tín thì chắc chắn xác bác Cẩm chúng tôi cũng ở chung một chỗ.
Bà cụ anh Lợi nhất định mời chúng tôi ghé nhà cụ uống chén nước trước khi
ra về. Chúng tôi lại đi theo cụ trở ngược vào làng. Thọ và Lợi dắt xe đạp
đi cùng với chúng tôi. Nhà cụ cũng không xa mộ mấy. Qua một cái cổng gạch
chúng tôi đi qua một cái vườn có trồng nhiều cây cau. Nhà ngói cũ ba gian,
trên một cái nền cao, phía trước là bực tam cấp. Gian giữa là phòng khách,
bộ bàn ghế gỗ mun đen trông cũ kỹ nhưng còn chắc chắn, sau là tủ chè. Bàn
thờ bầy trên tủ. Hai gian bên đặt hai phản lớn ở giữa. Bà cụ rót nước vối.
Lâu lắm tôi mới lại uống thứ nước giải khát này. Anh Việt và anh Ba hỏi
anh Lợi về những thủ tục cần phải làm về việc xây mộ. Bà cụ nói chúng tôi
không phải lo việc này vì chủ tịch xã cũng là người nhà cả.
Trong nhà gian giữa hơi tối nên hai cánh cửa sổ nhỏ bên hông sáng hẳn lên.
Căn nhà yên vắng. Có tiếng con chim chích chòe hót đâu đây. Lại có tiếng
Thủy và chị Thoa nói chuyện ở ngoài vườn. Mắt tôi vẫn không rời cái cửa
sổ. Khung cửa một màu nắng xanh êm dịu. “Qua cái cửa sổ chấn song nhỏ,
ánh sáng ở ngoài đưa vào phơn phớt xanh; vẫn còn nguyên mấy cành lá cây na
rủ sát cạnh cửa sổ và làm cho ánh sáng căn buồng của chàng hình như có
nhuộm thứ ánh sáng trong và cả tuổi thơ của chàng hình như có nhuộm thứ
ánh sáng trong và mát ấy. Siêu nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó chàng tưởng
thời gian ngừng hẳn lại.” (Xóm Cầu Mới - Nhất Linh).
Tôi uống hết chén nước vối rồi đứng dậy đi ra cửa. Đứng ở bực tam cấp tôi
nhìn khu vườn cau. Mắt tôi dừng lại ở cái đụn rơm dưới một bụi tre. Mấy
con gà con rúc vào bụi rơm. Sau cái đụn rơm, dưới một cái đầm nhỏ, là một
con trâu gầy gò đang nằm. Trên nền sân đất mịn có hoa nắng loang lổ. Cái
cảnh này gần với đoạn văn sau đây của bố tôi trong chương “Bắn vịt trời”:
“Hải nhìn qua những cành tre ở cạnh cổng. Một cơn gió thoảng qua; bóng
lá tre và bóng nắng chạy loang loáng trên sân đất nhẵn bóng và quét sạch.
Hai con gà đứng sưởi nắng ở cạnh gốc đậu ván, lấm tấm hoa tím. Cả những
cảnh nhỏ nhặt ấy chàng cũng để ý và thấy đẹp như trong một thế giới bồng
lai nào.”
Thốt nhiên một cảm nghĩ thoáng qua làm tôi rung động. Lần đầu tiên từ ba
tuần nay tôi chợt ý thức mình đang ở Việt Nam. Ba tuần lễ bận rộn trôi đi
nhanh quá và cuối tuần này tôi trở về Mỹ. Tôi không có một giây phút nào
để dừng lại lắng xuống, để cảm một cách sâu sắc, dù chỉ khoảnh khắc, mình
đang ở trên mảnh đất quê hương, nơi tôi đã rời xa hai mươi sáu năm trước.
Cuộc sống giạt trôi. Mấy chục năm du đi như thể mình đã không sống. Những
giây phút hiếm hoi sực tỉnh. Tôi đang ở Cẩm Giàng. Một rung động êm ái.
Tôi tin rằng trong cuộc đời rất bận rộn của bố tôi ông cũng đã rất nhiều
lần, như tôi bây giờ, ngừng lại, lắng đọng. Để nghe những giây phút hạnh
phúc tuyệt vời mà mỏng manh. Tôi bước xuống bậc thềm. Thủy và chị Thoa
đang rửa chân ở cạnh một giếng nước. Thủy nói:
“Anh Thiết à. Nước giếng mát lắm. Anh xuống đây mà rửa mặt rửa chân.”
Tôi nhìn sâu xuống lòng giếng, giật dây hai ba lần cho gầu úp ngược xuống,
rồi từ từ kéo cái gầu nặng lên khỏi miệng giếng, đổ nước vào một cái thau
nhôm. Nước sóng sánh những ánh nắng. Từ một thuở xa xôi trong kí vãng có
tiếng còi tàu hoả rúc lên, thằng bé chạy xiêu vẹo theo những người anh lớn
của nó ùa ra cổng trại Cẩm Giàng, nó vấp một cái thau đồng ai để trên lối
sỏi có nước lấp lánh, thau đồng khắc những đường vân ở dưới đáy nổi gợn
lên rung rinh.
Có tiếng anh Việt ra giục chúng tôi sửa soạn đi về. Trước khi từ biệt anh
Việt biếu bà cụ anh Lợi số tiền hai trăm ngàn, nói khéo là để nhờ cụ lo
việc hương khói cho mộ ông nội, nhưng cụ nhất định từ chối. Cụ hứa sẽ chăm
lo mộ và mặc dù anh Ba có nói thêm hết lời cụ vẫn nhất định không nhận
tiền. Sau cùng trong lúc cụ mải nói chuyện, chúng tôi phải nhờ chị Thoa
lén bỏ số tiền vào túi áo cánh của cụ.
Chúng tôi ra khỏi làng La A thì đã năm giờ chiều. Anh Việt tỏ ý lo vì
chúng tôi đã trễ chuyến xe hoả cuối cùng về Hà Nội. Đến chỗ bãi sắt dưới
gốc bàng chúng tôi đến chào Thọ lúc ấy đã trở về từ trước và đang làm
việc. Chúng tôi bắt tay từ biệt anh và hẹn ngày kia sẽ trở lại. Xong anh
Việt nói với Thọ:
“Tôi đương lo không biết cách nào để trở về Hà Nội vì chuyến xe hoả cuối
cùng đã rời Cẩm Giàng từ 15 phút trước rồi.”
Thọ đáp:
“Các chú khỏi lo. Cô chú có thể đón xe hàng về Hà Nội từ ngã tư Quán Gỏi.
Để cháu gọi năm cái xe máy lại đây ngay.”
Nói xong, trước cặp mắt gần như kinh ngạc của chúng tôi, Thọ rút trong túi
quần một cái cell phone, bấm số rồi nói vào máy:
“Anh Tư hả? Anh điều động ngay cho tôi 5 chiếc xe máy đến bãi sắt chở
khách đến ngã tư Quán Gỏi. Nhớ nghe, 5 chiếc! Khẩn trương đấy, khách chờ!”
Tôi vỗ vai Thọ:
“Anh này sang hơn tôi. Tôi ở Mỹ mà đến giờ này cũng chưa có cell phone.
Con cái tôi cứ chê bố mẹ gì mà lạc hậu quá.”
Anh ta không dấu được vẻ hãnh diện:
“Cháu dân làm ăn. Không có cái điện thoại di động này bất tiện lắm.”
Siêu nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó chàng tưởng thời gian ngừng hẳn
lại... Đó cũng là cảm tưởng của tôi khi tôi rời khỏi Cẩm Giàng. Vẫn
lũy tre xưa. Vẫn nền đất cũ. Tôi mang theo mình về đất Mỹ ba hòn đá xanh -
Thạch Lam - như mang về một phần của Cẩm Giàng nguyên vẹn. Đã hơn một nửa
thế kỷ trôi qua mà ở cái huyện nhỏ bé của chú Sáu tôi bên con đường sắt
tất cả vẫn nguyên như ngày xưa. Trừ cái cell phone cất trong túi quần của
Thọ!
Seattle, cuối thu năm 2003
|